Gia đình nghèo ấy đã chạm tay đến ước mơ khi vận may chợt đến nhờ vé số. Thế nhưng họ không thể ngờ, khoản bạc tỷ bỗng nhiên “rơi xuống đầu” kia lại trở thành điềm báo một tai họa. Từ chỗ sống cảnh ấm êm, chăm chỉ làm ăn, con cái trong gia đình thành ra tranh giành, từ mặt nhau chỉ vì cho rằng cha mẹ phân phát không sòng phẳng khoản “lộc Trời”.
Sướng như nhà nghèo… trúng số
Quá nửa cuộc đời dầm sương dãi nắng trên những thửa ruộng chìm ngập suốt mùa nước lũ, đôi vợ chồng nghèo ngoài 60 tuổi ở thị trấn H., huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chẳng bao giờ dám mơ màng nghĩ đến một ngày mình sẽ được “lên đời”. Trong tâm niệm của ông L., thì dường như số phận đã lựa chọn ông làm “điểm nhấn” cho cuộc sống đói khổ.
Lấy vợ rồi sinh một lèo bảy đứa con, nhưng toàn bộ chi phí sinh hoạt, ông L. chỉ biết trông vào mấy sào ruộng đắp đổi. Cuộc sống nghèo nàn, túng bấn, mấy đứa con ông cũng lần lượt vứt bỏ ước mơ con chữ để chạy theo bám đuôi đám trâu bò. Rồi lớn lên, mấy người con cũng dựng vợ gả chồng, đứa bám ruộng nương, đứa thoát ly lên thành phố làm thuê, phụ hồ.
Ở chung với cậu con út, ông L. đinh ninh cuộc đời mình chắc chẳng bao giờ được nếm cảm giác cầm mấy chục triệu đồng trong tay. Vậy mà, trong lúc cuộc sống tưởng chừng bế tắc nhất, thì gia cảnh đại gia đình khốn khổ bỗng chốc thay đổi đến chóng mặt.
Ông L. buồn rầu kể lại bi kịch ập đến với gia đình mình sau khi trúng số |
Một buổi chiều tháng 6, cách đây gần chục năm, trong lúc trở về nhà sau một chầu nhậu say túy lúy, “ma xui quỷ khiến” thế nào, ông L. lại khật khưỡng chạy theo bà bán vé số dạo đòi mua mấy tờ cho bằng được. Sau này nhớ lại, ông bảo: “Lúc ấy, cơn say dẫn lối nên đột nhiên thích mua cho vui vậy chứ chẳng mơ mộng gì trúng giải”.
Không ngờ sáng hôm sau tỉnh cơn say, nhớ lại mấy tờ vé số, ông lấy cho con cháu dò thử thì phát hiện trúng giải đặc biệt. “Lúc ấy, thằng con trai hét toáng lên làm tui cũng sướng lây. Vợ tui từ ngoài nghe tiếng còn chạy vô nhà xem thực hư rồi mắng vốn: “Đã nghèo rồi còn cứ đùa cà chớn không à (?). Hai cha con nằm mơ hả (?)”. Nghe thế, tui bèn nói bà ấy là mình trúng lớn rồi, giàu lắm rồi, được những hơn 2 tỷ đồng lận”. Vừa nói, ông L. vừa chìa tờ kết quả ra cho vợ xem.
Hết dụi mắt rồi lại vốc nước rửa mặt cho tỉnh táo vì sợ “mình đang mơ”, bà vợ cầm mấy tờ vé số lên rồi bật khóc nức nở. Giây phút ấy, bà thầm cảm ơn trời đã thấu niềm mong ước tâm can, ban ơn cho số kiếp nghèo hèn của hai vợ chồng.
Khi cảm xúc vui sướng tột độ qua đi, ông L. bèn gọi điện cho hai người con trai lớn cùng mình đi lĩnh thưởng. Mấy đứa con còn lại, dù chưa được thông báo, cũng lập tức đổ về nhà cha mẹ chờ đợi. Suốt một buổi sáng, hơn chục con người trong đại gia đình không cười nói, trong lòng xốn xang, hết đứng lại ngồi chờ đợi. Mãi đến giữa trưa, lúc ba cha con ông L. trở về, mặt còn ướt đẫm mồ hôi, kèm theo đó là chiếc ba lô nặng trịch, bên trong chứa tiền thưởng, mọi người mới đồng loạt thở phào.
Nhớ lại khoảnh khắc đó, ông L. bảo, lúc ba lô tiền về đến nhà cũng là lần đầu tiên, vợ con ông nở nụ cười mãn nguyện. Bên mâm cơm làm lễ “rửa lộc”, ông nhìn những món ngon mà bản thân trước tới giờ dù có thèm đến mấy cũng không dám ăn, nước mắt lăn dài mừng tủi. “Thấy đó mà nuốt không trôi. Nhìn các con, cháu say sưa ăn uống, tui hạnh phúc vô chừng”, ông L. nói.
Đêm đó, ông không tài nào chợp mắt nổi. Giữa đêm khuya khoắt, cả hai vợ chồng còn dậy kiểm tra chốt cửa rồi chong đèn run run ngồi… đếm tiền. Đếm tới tận khi gà gáy, vợ chồng mệt quá lại vơ vội tiền nhét vào ba lô, tính đủ thứ chuyện như làm lại căn nhà dột nát, tiền để dành dụm lúc tuổi già ốm đau bệnh tật, tiền cho các con có vốn làm ăn… Bàn tính đủ chuyện nhưng ông lại quên nghĩ đến câu “người tính không bằng trời tính (!)”.
Đau như nhà giàu… hết tình
Cả đời mơ ước được thoát ra khỏi cảnh chật vật lo ăn buổi sáng lại thiếu đói buổi chiều, ông cứ ngỡ khi được cầm tiền tỷ trong tay, hậu vận của mình sẽ đỡ cực nhọc. Nhưng ông không ngờ, tiền nhiều lên thì tình nghĩa giữa những người thân trong gia đình cũng vơi đi. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn chưa thể tin vào sự thật đó, khi mấy đứa con chỉ vì “lộc trời” mà tan đàn xẻ nghé, thậm chí từ mặt nhau.
Trò chuyện với người viết, ông luôn miệng thở dài: “Muốn trách thì cũng phải nhìn lại chính bản thân mình. Bài học lớn nhất của tui là không giáo dục con cái ngay từ đầu. Bài học nữa là do trước đây quá nghèo nên lúc tiền nhiều quá, không biết cách để kìm hãm được lòng tham của các con. Chuyện xảy ra, tui cũng không muốn chình ình mặt ra để thiên hạ cười chê, chỉ mong những ai đó nếu có lỡ trúng vé số thì sẽ có cách quản lý, chi tiêu đồng tiền hợp lý, thấu đáo thì mới giữ trọn vận may, còn không thì tai họa rình rập”.
Theo lời ông, sau bận trúng vé số tiền tỉ, cả gia đình có ngồi họp lại và lên kế hoạch chia tiền rồi còn tính kế sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà. Tuy nhiên, mọi rắc rối cũng bắt đầu xuất phát từ đây. Bảy người con của ông, khi nhắc đến chuyện tiền thì “mắt cứ sáng rực như đèn pha ô tô”, đứa nào cũng đòi phải được phần hơn.
Ngồi trước mặt cha mẹ, có đứa còn ngồi kể chi li việc cho ba mượn mấy chục ngàn đi đám giỗ; đứa thì kể lể chuyện mua giúp má mấy con cá, mớ rau; đứa thì chen ngang lớn giọng bảo cho ba vay mấy trăm ngàn, rồi tiền triệu… Cứ thế, các con ông ngồi thao thao bất tuyệt, lớn tiếng trình bày tuốt tuồn tuột “công trạng” ra nhằm được ba má ưu ái chia thêm tiền. Cũng từ đây, đồng tiền “đè” luôn tình cảm của mấy người con ông.
Nghe đến đó, ông L. bực quá gắt giọng bảo: “Tiền ba má chia đều, đứa nào cũng như nhau hết trơn. Giờ ba tính thế này, trước hết để vợ chồng già dựng lại căn nhà che mưa tránh nắng, còn lại chút vốn phòng thân. Đứa nào không đồng ý thì cũng không được nhận tiền luôn”. Thấy ba làm căng, các con ông đành miễn cưỡng nhận tiền nhưng trong bụng vẫn ấm ức. Thậm chí, từ con gái tới con trai đều ngấm ngầm theo dõi xem ba má có lén lút cho đứa này, đứa kia hơn không.
Từ đó, tình cảm anh em ruột thịt cũng dần tan vỡ. Đáng trách hơn nữa, các con ông khi có tiền lại vung tay quá trán, mua sắm xe ga, đồ hiệu, vòng vàng trang sức đeo lủng lẳng khắp người thể hiện… mình giàu và chẳng còn chí thú làm ăn. Nhìn thấy cảnh đó, người cha càng đau lòng. Ông không thể tin nổi, chính mấy tờ vé số mình vô tình may mắn trúng thưởng lại là tác nhân làm hại con cái, dẫn đến bi kịch gia đình.
Ông càng buồn hơn nữa, bởi lúc cất được căn nhà khang trang, sắm được chiếc xe máy đàng hoàng và ít vật dụng như tủ lạnh, tivi màn hình phẳng, bếp ga thì số tiền còn lại cũng chẳng dư được bao nhiêu. Nhưng cứ dăm bữa nửa tháng, mấy người con của ông lại tìm đến tỉ tê, nài nỉ xin ông thêm chút tiền mua sữa, tiền đóng học phí, tiền đổ xăng… Lúc ông kêu hết tiền, mấy người con lại quay sang lườm nguýt, xỉa xói.
Riêng người con trai út ở cùng vợ chồng ông, trước kia được xem là “ngoan nhất nhà” thì nay có tiền vào bỗng dưng thay đổi tâm tính. Hàng ngày, cậu con trai này trở thành khách quen của mấy quán nhậu, mấy điểm đánh bida độ, mát-xa, bài bạc và chiều nào cũng mua vài lốc vé số chờ vận may. Ăn chơi bạt mạng, đến khi hết tiền, túng quá, cậu lấy luôn sổ đỏ của ba đi cầm cố, rồi xe máy, tivi cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Ấm ức, cay đắng nhưng ông đành cắn răng cùng vợ… đi ở ké người quen. “Coi như số tui không có phúc nên mới ra nông nỗi này. Đó cũng là bài học để mọi người đúc rút kinh nghiệm khi “giàu đột xuất””, ông nói.
Giờ cuộc sống của vợ chồng ông cũng đang rơi vào bi kịch với cảnh túng thiếu triền miên. Con cái ông khi thấy ba mẹ hết tiền cũng chẳng màng ngó thăm, chỉ mạnh ai người đó lo phận. Tuy không nói ra, nhưng hàng xóm ai cũng bảo, các con ông sau giai đoạn “lên đời” thì đã quay trở về kiếp nghèo vì thói vung tiền.
Mua chịu vé số chờ vận may Bà K., một người từng bán vé số cho ông L. kể với người viết rằng: “Lúc trúng vé số, ông L. cũng biết điều dữ lắm. Sau này nghe nói con cái tranh giành nhiều quá khiến ông mới sinh ra vậy. Mấy hôm trước, ông còn đến quầy vé số của tui mua chịu vài tờ, thấy thương tình nên tui cũng để. Mua thì vậy thôi, chứ trúng thêm lần nữa chắc khó quá. Trời đã thương mà không biết giữ thì chắc gì đã còn có cơ duyên”. |
Dương Kiết