Tính chung cả năm ngoái, xuất khẩu điều đạt hơn 644 nghìn tấn, kim ngạch đạt 3,644 tỷ USD, tăng 24% về lượng và tăng 18% về kim ngạch so với năm 2022. Đây được xem là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến này của ngành điều (cao hơn mức kỷ lục đạt được trước đó vào năm 2021 khoảng 7 triệu USD). Thị trường xuất khẩu hạt điều khá đa dạng, trong đó những nhà nhập khẩu lớn có thể kể đến như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan. Cụ thể, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 885,5 triệu USD, tăng 5% so với năm 2022 và chiếm 24,3% kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước trong năm ngoái.
Thị trường điều trong năm 2023 đầy biến động nhưng lại là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản xuất ngoại
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 683 triệu USD, tăng 55,23% so với năm 2022, chiếm 18,7% kim ngạch xuất khẩu điều của nước ta. Đây cũng là thị trường tăng ấn tượng nhất trong nhóm 3 thị trường xuất khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Hà Lan đứng thứ ba với kim ngạch đạt 353 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022, chiếm 9,7% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.
Tuy nhiên, hiện ngành điều vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2023, cả nước nhập khẩu gần 2,77 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 46,2% về lượng và tăng 19,6% về kim ngạch so với năm 2022.
Thông tin trên báo Công Thương, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn cho rằng: Ngành điều có triển vọng tốt trong năm 2024 bởi nhiều thị trường thế giới như EU, Nhật Bản. vẫn có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ điều. Minh chứng là từ cuối năm 2023 đơn đặt hàng nhập khẩu của các nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đang tăng lên và thời điểm này hơn 10 nhà máy chế biến điều của Long Sơn đang phải hoạt động hết công suất, thậm chí còn phải cân nhắc không nhận thêm đơn hàng.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật trước đó ông Sơn cho biết: Dù được dự báo xuất khẩu điều các tháng cuối năm 2023 sẽ tăng nhờ yếu tố chu kỳ nhưng theo doanh nhân Vũ Thái Sơn, điều đáng buồn là xuất khẩu nhiều mà đơn giá lại giảm. Trong thời điểm nhiều rào cản như vậy, là doanh nhân điều hành doanh nghiệp xuất khẩu điều lớn, ông Sơn mong mỏi, năm 2023 sản lượng xuất khẩu điều của công ty sẽ tăng khoảng 10%, doanh thu có thể giữ nguyên vì giá xuống. “Lợi nhuận năm nay, hòa được là thắng”, ông Sơn bộc bạch.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH VINAHE tại Bình Phước cho biết: các đơn hàng xuất khẩu của VINAHE tăng đáng kể trong những tháng cuối năm và công ty cũng phải làm việc hết công suất để đáp ứng được tiến độ giao hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH VINAHE đang kiểm tra sản phẩm tại nhà máy ở Bình Phước
Triển vọng là có, song theo nhận định chung của các doanh nghiệp, ngành điều đang phải đối mặt với bài toán nguyên liệu, chi phí lãi vay cao… cùng làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh theo xu thế toàn cầu. Trong đó về nguyên liệu, diện tích điều ngày càng thu hẹp bởi người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn như sầu riêng, mít…
Do đó, trong năm tới nếu các doanh nghiệp trong nước không đồng lòng, đoàn kết để điều tiết giá nhập khẩu nguyên liệu điều thô và giá điều nhân chế biến. Về làn sóng chuyển đổi xanh, theo các doanh nghiệp, các thị trường ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn về những tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội…
Trao đổi về vấn đề này với Đời sống và Pháp luật ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, Chủ tịch Tập đoàn Long Sơn lấy bài học từ ngành dệt may, để nâng cao tính cạnh tranh của Long Sơn nói riêng và doanh nghiệp điều nói chung, Chủ tịch Hội điều Bình Phước cho rằng cần chú trọng đến xu hướng tiêu thụ sản phẩm có xuất xứ sạch, sử dụng năng lượng tái tạo từ các nước phương Tây.
Theo ông Sơn, vấn đề trên không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu của một số khách hàng với công ty. Đã có nhiều đối tác yêu cầu Long Sơn phải chứng minh được mỗi năm công ty giảm tiêu dùng điện, tiêu thụ các năng lượng có thể làm trái đất nóng lên, hiệu ứng nhà kính.
“Trong việc cắt giảm khí thải, chúng tôi đang có chính sách sử dụng điện áp mái. Một số nhà máy lắp rồi và tiếp tục hoàn thiện để chứng minh cho các khách hàng của Long Sơn thấy hằng năm chúng tôi giảm được điện năng tiêu thụ, dùng năng lượng tái tạo. Đó là chiến lược của Long Sơn”, ông Sơn nói.
Một xu hướng cũng được vị doanh nhân này đề cập đó là tăng cường hàng hóa hữu cơ và đẩy mạnh sử dụng công nghệ chế biến sâu. Ông Sơn cho rằng, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ sẽ đem lại lợi nhuận tốt cho hạt điều.