Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hành trình đòi công lý cho 2 nữ sinh tử vong do tai nạn giao thông

(DS&PL) -

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp đã không quản ngại khó khăn, về tận hiện trường thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho 2 nữ sinh tử vong do tai nạn giao thông.

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2 cháu bé tử vong trong vụ tai nạn giao thông, luật sư Nguyễn Trung Tiệp đã không quản ngại khó khăn, về tận hiện trường thu thập chứng cứ và từ đó chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông.

Nghi án giết người

TAND tỉnh Hưng Yên vừa mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” đối với bị cáo Vũ Tuấn Anh (SN 1998, ở xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) do có kháng cáo của các gia đình bị hại và của bị cáo đề nghị hủy toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.

Theo cáo trạng, khoảng 21h30 ngày 19/6/2018, sau khi dự sinh nhật tại quán Quy cơ (thôn Từ Hồ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ), Vũ Tuấn Anh biết Lê Thị Ngọc (SN 2004) chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe và đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn cho Ngọc mượn xe mô tô BKS 36M1-019.15 để chở Nguyễn Văn Duy về nhà.
Sau đó, Ngọc tiếp tục điều khiển xe máy chở Nguyễn Hương Trà thì xảy ra va chạm rất mạnh vào dải tôn hộ lan lề đường bên trái hướng đi tại dốc Yên Phú, xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ làm cả hai tử vong.

Khép lại phiên xử sơ thẩm, TAND huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) tuyên phạt bị cáo Vũ Tuấn Anh mức án 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ. Không đồng tình với phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, cả gia đình bị hại và bị cáo cùng có đơn kháng cáo, đề nghị tuyên hủy án sơ thẩm.

Nhiều dấu hiệu khuất tất trong vụ án

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân xấu số trong phiên xét xử phúc thẩm, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) đã chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng cũng như nhiều khuất tất chưa được làm sáng tỏ trong vụ án.

Cụ thể, căn cứ vào hồ sơ tài liệu trong vụ án và lời khai của đại diện 2 gia đình nạn nhân tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Tiệp nhận thấy vụ án không được các cơ quan điều tra, VKS huyện Yên Mỹ tiến hành thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường nhưng lại kết luận nguyên nhân cái chết của Lê Thị Ngọc và Nguyễn Thị Trà do bị tai nạn giao thông.

“Việc làm này của cơ quan tố tụng là không có căn cứ và không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, cũng như đã vi phạm về tố tụng theo quy định tại Điều 204, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015”, luật sư Tiệp nói.

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp.

Theo luật sư Tiệp: “Cơ quan giám định không xác định máu của 2 nạn nhân thuộc nhóm máu nào (A, B hay O), cho nên kết luận thiếu tính chính xác, chưa đảm bảo tính khách quan để kết luận các vết máu trên các dải tôn hộ lan đó là máu người và là của 2 nạn nhân”.
Chưa hết, bản kết luận giám định số 3645 của viện Khoa học Hình sự bộ Công an (bút lục 154) kết luận: Mảnh nhựa màu đen ghi thu tại hiện trường không phải là mảnh vỡ của xe mô tô BKS số 36M1-019.15; trên xe mô tô BKS số 36M1-01915 không phát hiện thấy dấu vết va chạm với mặt đường bê tông nhựa và phương tiện khác.

“Theo như nhận định của cơ quan tiến hành tố tụng, đây là tai nạn giao thông làm chết người, vậy tại sao lại không có những mảnh nhựa (vỏ xe máy) của nạn nhân tại hiện trường”, đây tiếp tục là một câu hỏi được luật sư Tiệp đặt ra.

Luật sư Tiệp cho biết, quá trình mở phiên xét xử theo trình tự phúc thẩm, ông Lê Văn Thành (bố đẻ bị hại Ngọc) cũng đã nộp cho tòa tài liệu chứng minh hai cháu Ngọc và Trà bị sát hại chứ không chỉ là một vụ tai nạn giao thông đơn thuần. Tại tòa, gia đình các bị hại vô cùng bức xúc trước các bản kết luận giám định khi nhận định 2 cháu Ngọc, Trà sử dụng ma túy và rượu bia.

Ông Thành bức xúc nói trước toàn thể phiên tòa: “Theo kết luận giám định, nồng độ Ethanol của cháu Ngọc là 304, 1 mg/100 ml, tương đương với việc cháu phải uống 3 lít rượu. Ở độ tuổi này của cháu thì không thể uống được đến 3 lít rượu trong một lúc buổi tối. Chưa kể, cháu sinh sống cùng chúng tôi, là bố mẹ, sát sao con thường xuyên, tôi biết con gái tôi là đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập. Biết bố mẹ vất vả nên cháu thường xuyên giúp đỡ bố mẹ và hàng ngày lo cho các em. Tôi khẳng định là cháu không uống rượu”.

Trước đó, kết luận giám định của viện Khoa học Hình sự bộ Công an kết luận: Trong mẫu máu của tử thi Nguyễn Thị Trà, Lê Thị Ngọc có tìm thấy chất ma túy MDMA và Methemphetamine; Cùng nồng độ Ethanol của Trà là: 56,8 mg/100 ml; Của Ngọc là 304,1 mg/100 ml.

Đánh giá, phân tích về các bản kết luận giám định trên, luật sư Nguyễn Trung Tiệp nhận thấy: “Các kết luận giám định trên không phù hợp với lời khai của người thân ruột thịt trong gia đình. Bạn bè khi tham dự sinh nhật Hà đều khẳng định, trong khi sinh nhật không có ai sử dụng ma túy”.

Giữ quyền công tố, VKSND tỉnh cũng cho rằng, vụ án làm chết 2 người, nhưng bản án sơ thẩm chỉ xử theo khoản 1, Điều 264, BLHS là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Từ đó, VKSND tỉnh Hưng Yên đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Đồng tình với quan điểm của VKS, chấp thuận luận cứ bảo vệ của luật sư Nguyễn Trung Tiệp, TAND tỉnh Hưng Yên nhận định: Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Tuấn Anh về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo khoản 1, Điều 264, BLHS là chưa chính xác và không đúng với tinh thần của điều luật.

Tuy nhiên, xem xét nội dung kháng cáo của đại diện gia đình các bị hại chỉ yêu cầu hủy án sơ thẩm để điều tra lại mà không đề nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Vì vậy, HĐXX phúc thẩm không thể làm xấu đi và bất lợi đối với bị cáo.

Từ những phân tích trên cho thấy tòa cấp sơ thẩm do nhận thức không đúng tinh thần của điều luật nên xét xử bị cáo theo khoản 1, Điều 264, BLHS là không phù hợp, dẫn đến xác định sai tư cách tố tụng của người bị hại cũng như người đại diện, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh, nguyên tắc công bằng của pháp luật và hạn chế quyền kháng cáo của gia đình bị hại.

“Tại cấp phúc thẩm không thể sửa án để khắc phục vì vậy sẽ hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại. Quan điểm của vị đại diện VKS và một phần nội dung kháng cáo của đại diện gia đình bị hại, bị cáo được HĐXX phúc thẩm chấp nhận”, nội dung bản án phúc thẩm nêu rõ.

Điều này cũng phù hợp với nguyện vọng của cả luật sư bảo vệ bị hại và bị cáo đều mong trong phiên tòa tới đây. Những dấu hiệu vi phạm sẽ được xem xét công tâm, trả lại sự công bằng cho các nạn nhân.

Tư Viễn

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 149

Tin nổi bật