Thông tin trên được báo Tuổi Trẻ đăng tải. Theo đó, cả nghìn người dân đi xe máy từ các xã huyện Đức Hòa, Long An giáp ranh TP.HCM đổ ra quốc lộ N2 để về quê khiến xảy ra ùn tắc lại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở khu vực cầu Đức Hòa, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa.
Trước sự việc, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh đã đến hiện trường, chia ra nhiều nhóm nhỏ trực tiếp đối thoại, mời người dân về một nhà xưởng trống gần đó ghi nhận ý kiến để tổ chức phương án hỗ trợ.
Nguồn tin cho hay, tại buổi đối thoại, nhiều công nhân không kìm được nước mắt cho biết cũng hiểu hoàn cảnh, nhưng đã hết cách nên mới phải "liều mình" trở về quê.
"Nhà có 4 người, chồng đi cách ly, tôi làm công nhân mà mấy tháng nay mất việc, không còn biết sống sao. Đêm qua ở giữa đường con nó lạnh lắm, nhưng tôi động viên nó cố gắng chứ không có chỗ quay lại nữa" - chị Trần Thị Ngoan, 31 tuổi, quê Cà Mau, vừa khóc nói.
Người dân "mắc kẹt" tại Long An. Ảnh: Tri thức Trực tuyến
Tại buổi đối thoại với người dân, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ: "Tỉnh cũng mong muốn các anh chị ở lại với Long An và sẽ cố gắng cùng các anh chị vượt qua khó khăn, làm việc trở lại vì giờ dịch bệnh đang phức tạp, về cũng không đảm bảo. Về địa phương không có việc làm lại ảnh hưởng thêm cho quê nhà. Địa phương cam kết sẽ hỗ trợ hết mình, hứa không để anh chị đói".
Theo ông Lâm, những ai thật sự mong muốn về quê, tỉnh sẽ hỗ trợ hết mình, nhưng phải có tổ chức và phải đợi Long An liên hệ được các địa phương đồng ý cho về. Tất cả người dân đều được đưa giấy đăng ký nguyện vọng.
Báo Giao thông cũng đưa tin, tại buổi đối thoại, ông Phan Nhân Duy, Bí thư huyện ủy Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: “Những trường hợp phụ nữ mang thai, người già, trẻ em có nguyện vọng về quê thì huyện lập danh sách, UBND tỉnh Long An sẽ liên hệ các tỉnh hỗ trợ đưa về nhằm đảm bảo phòng, chống dịch an toàn”. Riêng số người trẻ thì vận động ở lại làm việc; vận động chủ doanh nghiệp nhận lại lao động và vận động chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà.
Theo báo Gaio thông, người dân không chỉ "mắc kẹt" tại huyện Đức Hòa, mà tại huyện Tân Thạnh cũng còn khoảng 280 người dân bị mắc kẹt, do phía chốt kiểm soát huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp không cho qua. Trong số này, có nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai.
Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh, Long An cho biết, tất cả đã được huyện bố trí chỗ ăn, nghỉ tại Trường THPT Tân Thạnh. Đồng thời, phân công 20 cán bộ, chiến sĩ và 2 nhân viên y tế lo việc ăn uống, chăm sóc sức khỏe cho họ.
“Mỗi ngày huyện xuất kinh phí gần 15 triệu đồng lo chi phí ăn uống cho các trường hợp trên. Dù nguồn ngân sách địa phương có hạn, nhưng huyện Tân Thạnh luôn cố gắng chăm lo cho người dân đến khi họ được đón về”, ông Đông nói và cho biết, trong sáng 30/9, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đón 130 người dân Đồng Tháp về quê, trước đó đã đón 104 người đưa về cách ly tại các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp.
Nguồn tin cho hay, hiện còn 150 người dân thuộc tỉnh An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng… Những trường hợp này, UBND tỉnh Long An đã có công văn gửi các tỉnh nhờ hỗ trợ nhưng đến giờ chưa thấy các tỉnh phản hồi.
Hoàng Yên (T/h)