(ĐSPL) - Đã một tuần trôi qua, nguyên nhân của việc hàng tấn sò lông, ốc biển chết trôi dạt vào gây ô nhiễm suốt dải bờ biển tại các xã thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn chưa được xác định.
Những ngày đầu năm, ngư dân các tỉnh miền Trung đang phấn khởi với những chuyến ra khơi đầy ắp tôm cá thì riêng tại vùng biển Kỳ Khang, Kỳ Ninh...huyện Kỳ Anh, việc các loại thủy, hải sản chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân trôi dạt vào bờ đang khiến người dân rất lo lắng.
Mặc dù trước đó, rất đông người dân cùng chính quyền địa phương đã tiến hành thu gom, đào hố chôn lấp hàng tấn vỏ sò, ốc nhưng tại thời điểm PV có mặt, trải dài dọc bờ biển khoảng 1km, xác các sò lông, ốc biển và nhiều nhuyễn thể khác vẫn phủ trắng, chất thành đống với độ dày 5-7cm.
Sò lông trôi dạt vào bờ biển chất thành từng đống với độ dày 5-7cm. |
Theo chia sẻ của người dân nơi đây, cứ khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 Âm lịch hàng năm, mỗi khi sóng to, biển động, thời tiết lạnh, sò lông biển thường quẩn dưới cát và bị sóng đẩy vào bờ. Bởi vậy, đây là dịp người dân ven biển xã Kỳ Anh và những vùng lân cận có cơ hội để kiếm tiền triệu mỗi ngày, được hưởng nguồn “lộc” biển quý giá. Tuy nhiên, không phải năm nào, thời điểm nào cũng có thể bắt được loài hải sản này vì sò lông nằm sâu dưới đáy đại dương, ưa nhiệt độ lạnh. Chỉ những khi biển động, thời tiết lạnh, người dân mới có thể bắt được nó. Nhưng năm nay, mới đầu năm mà hiện tượng sò lông lại chết hàng loạt trôi dạt vào bờ là lần đầu tiên xuất hiện.
Ông Hồ Xuân Thi, Chủ tịch UBND xã Kỳ Khang cho biết, để tránh ô nhiễm môi trường vùng biển, sau khi phát hiện sự việc, huyện Kỳ Anh cùng với chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tổ chức thu gom, đào hố chôn lấp. Nhưng sau mỗi trận sóng, hàng tấn sò lông khác lẩn trong cát lại được tuồn cả vào bờ.
Được biết, thường ngày, rất đông người dân vẫn điều khiển xe máy đi tắt theo đường dọc bờ biển để qua các vùng biển lân cận, nhưng cả tuần qua, không ai giám đi vì lượng vỏ sò, ốc trôi dạt vào phủ kín gây nên khó khăn cho việc đi lại. “Cố gắng luồn lách thì chúng tôi cũng có thể đi được nhưng vỏ sò, ốc rất sắc, lại nhiều khía cạnh dễ gây thủng lốp, để tránh gặp sự cố, chúng tô đành phải đi bộ”, bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân địa phương cho biết.
Không chỉ gây bất tiện trong nhịp sống thường ngày, mùi tanh nồng, hôi thối của chúng còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân địa phương.
Hàng tấn sò lông trải dài dọc bờ biển đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã cử cán bộ đến hiện trường kiểm tra, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân nhằm có kế hoạch can thiệp. Theo nhận định ban đầu, nguyên chính có thể do tình trạng ô nhiễm môi trường nước biển hoặc biến đổi dòng chảy, khí hậu, nhiệt độ nước biển tăng.
"Hiện, chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng huyện cũng như địa phương tiến hành thu gom, xử lý chúng để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Khi nào có kết quả xét nghiệm sẽ chính thức công bố để người dân khỏi hoang mang, lo lắng và các ngư dân yên tâm ra khơi bám biển", ông Bình cho biết thêm.
Sò lông (tên khoa học là Anadara subcrenata) là một loài động vật thân mềm thuộc họ sò, có hai mảnh vỏ hình bầu dục, ngả về phía trước. Trong y học cổ truyền, sò lông được dùng với tên thuốc là mao kham với dược liệu là thịt sò và vỏ sò. Đây là loại sò nhiệt đới, phân bố tại các vùng biển nhiệt đới gồm vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ đông châu Phi đến châu Úc, Nhật Bản. Tại Việt Nam, sò lông phân bố nhiều nơi như Kiên Giang, Huế...Sò lông chứa rất nhiều chất đạm, các thành phần chất dinh dưỡng giúp tăng cường sự dẻo dai và năng lượng. |