Hàng chục các con sông lớn nhỏ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng ô nhiễm và trở thành dòng sông chết bởi những lồng cá bè nuôi dày đặc trên sông.
Hậu quả của việc này không chỉ khiến môi trường sống, hệ sinh thái mặt nước xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề mà ngay cả chính những người dân nuôi cá bè cũng gánh chịu, tổn thất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tình trạng trên vẫn kéo dài mà chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục khiến tình trạng ô nhiễm đang ngày một trầm trọng hơn, đến mức báo động.
Đủ loại chất thải
Là một trong những hình thức chăn nuôi phổ biến nhất của người dân vùng sông nước đồng bằng, nghề nuôi cá bè trên những con sông lớn, những khu kênh rạch nhỏ của người dân miền Tây đã có từ hàng trăm năm nay. Theo đó, người dân dựa vào nguồn nước tự nhiên vô cùng phong phú nơi đây để chăn nuôi những loài thủy hải sản. Hiện nay, khi mà nguồn lợi tự nhiên từ hầu hết các loại thủy hải sản như tôm cá, cua ốc… trong tự nhiên đều đã cạn kiệt thì ngành chăn nuôi những loài này đang ngày càng phát triển và nở rộ hơn bao giờ hết. Cụ thể, theo thống kê của Bộ nông nghiệp và phát triển nông, ngành nuôi trồng thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc về diện tích và sản lượng nuôi trồng với quy mô lớn. Cụ thể, năm 2012, sản lượng thủy sản của cả vùng ước đạt hơn 2,2 triệu tấn, trong đó cá nuôi là 1,7 triệu tấn và tôm là gần 400 nghìn tấn... Ngoài ra, cũng cần có một so sánh khác là tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của Đông bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 70,94\% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong cả nước, với mức tăng trưởng hằng năm là 17,8\%. Trong số đó, dù chưa có thống kê chính xác về việc nuôi trồng thủy sản trong ao hồ và ngoài lồng bè là bao nhiêu nhưng có thể dễ dàng nhận thấy, tỷ lệ chăn nuôi ở lồng bè là rất lớn, do diện tích mặt nước tự nhiên ở khu vực này vô cùng rộng lớn. Có thể nhận thấy ngay rằng, việc chăn nuôi thủy sản lồng bè đã đem lại rất nhiều lợi ích, mặt tích cực cho người dân. Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự ô nhiễm môi trường do mất cân bằng sinh thái, do tác động quá lớn của con người vào dòng chảy tự nhiên cũng như lượng hóa chất, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi khổng lồ thải ra đã có những tác động tiêu cực tới hệ sinh thái, tới những loài động thực vật khác sinh sống ở trên sông.
Theo một người dân sinh sống ở khu vực dưới chân cầu Rạch Miễu (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) thì hiện nay, ở khúc sông Tiền đoạn đi qua thành phố Mỹ Tho có hàng ngàn những lồng nuôi cá bè của ngư dân được dựng lên. Nó nằm rải rác ven bờ song Tiền, ven các cù lao Thới Sơn, Cồn Long, cồn Phụng… Tại đó, mỗi ngày những lồng cá bè này được cung cấp hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi cùng nhiều loại thuốc chưa bệnh, thuốc ngừa bệnh khiến mặt nước dòng sông bị ô nhiễm nặng nề. Đó là chưa kể chính bản thân hàng trăm hộ gia đình đang sinh sống trên lồng bè để chăn nuôi ấy cũng gây ra nhiều hệ lụy xấu về ô nhiễm môi trường. Hậu quả của việc này là nguồn nước ở sông Tiền hiện nay vô cùng ô nhiễm, khiến hộ dân không thể sử dụng trong sinh hoạt được nữa. Đấy là còn chưa kể, nhiều người mưu sinh bằng nghề khai thác thủy sản trên sông than thở rằng, do nước sông quá ô nhiễm mà nguồn lợi tự nhiên đã gần như biến mất, đặc biệt là tại khu vực xung quanh những khu vực có nhiều lồng nuôi cá bè. Tuy nhiên, không chỉ riêng ở khu vực cầu Rạch Miễu mà hàng trăm ngàn các khu lồng bè như vậy đã mọc lên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ vùng thượng nguồn sông Hậu, sông Tiền ở An Giang, Đồng Tháp cho tới vùng hạ lưu sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Tiền ở vùng Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang…người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những khu vực chăn nuôi bán tự nhiên trên mặt nước như vậy của người dân.
Có thể nói, những nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở bởi, thực tế thời gian qua cho thấy, các hoạt động nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã phát sinh các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, khí thải gây ô nhiễm môi trường, với các nguồn thải chính như, các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các loại hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh đọng, các chất độc hại có trong đất phèn... Nguồn nước thải trong ngành chế biến thủy sản, chủ yếu được thải ra từ nước rửa nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, các nguồn nước vệ sinh nhà xưởng sản xuất, nước rửa máy móc, dụng cụ trong các phân xưởng chế biến... Tất cả những loại hóa chất trên đã làm tăng mức độ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước trong khu vực này đến mức báo động nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là, hầu hết những dòng sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề. Nguyên nhân thì có nhiều và chủ yếu là do sự phát triển quá nhanh của dân số và sự đông đúc của những khu đô thị cũng như chất thải từ các khu công nghiệp. Tuy nhiên, bản thân những người chăn nuôi thủy sản trên lồng bè ở dòng sông cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng trên bởi vô số những chất thải trong chăn nuôi mà họ thải ra. Nó không chỉ là ô nhiễm môi trường nước xung quanh khu vực nuôi thủy sản mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới những vùng khác, đặc biệt là dưới hạ lưu. Vì vậy, để cân bằng bài toán phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường, duy trì sự bền vững tự nhiên của hệ sinh thái xung quanh đang là vấn đề nan giải, cần sự chung tay của nhiều cơ quan và cả chính những người dân nữa.
Những giải pháp khó khăn
Có thể nói, khâu đầu tiên trong việc giảm thiểu những thiệt hại, gìn giữ môi trường chăn nuôi thủy sản trên mặt nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chính là công tác quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cần dựa trên cơ sở phân vùng sinh thái, phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước và xử lý chất thải đối với ngành nuôi trồng thủy sản công nghiệp, thâm, canh... Nghĩa là, khi quy hoạch đồng bộ, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về vệ sinh môi trường, ngăn ngừa bệnh dịch và các quy chuẩn môi trường đã quy định thì chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường chăn nuôi bền vững, ổn định và ít ảnh hưởng tới hệ sinh thái xung quanh. Đồng thời, các chủ đầu tư canh tác nuôi trồng và chế biến thủy sản phải tập trung đầu tư và vận hành các hệ thống thu gom tập trung, phân loại hợp lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt, quản lý lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn nguy hại theo đúng quy định, cũng như phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn về môi trường... Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động tại các doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản và người dân trong khu vực nuôi trồng thủy sản lớn, như một vựa cá tôm của cả nước này.
Ngoài ra, tích cực đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cá nhân, những nơi tập trung đông đúc những lồng cá bè trên sông, nhất là cần kiên quyết xử lý triệt để những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp, người dân nhằm tăng cường hiệu lực quản lý về môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản. Có thể nói, đây là công việc rất khó khăn và phức tạp bởi đa phần những hộ chăn nuôi thủy sản trên sông đều là người dân nhỏ lẻ, phần nhiều tự phát và chưa được quy hoạch cụ thể nên rất khó kiểm tra. Vì vậy, việc giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để mọi người cùng hiểu, cùng ngăn chặn tình trạng ô nhiễm là việc làm hết sức cần thiết.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thông tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
Liên hệ: Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội phân viện phía nam
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
Email: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com
Đoàn Đại Trí