Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗi lo thủy điện thượng nguồn

(DS&PL) -

Với sự phát triển ngày một nhanh của dân số và những khu công nghiệp, vấn đề năng lượng đang trở thành nhu cầu bức thiết của nhiều quốc gia.

Với sự phát triển ngày một nhanh của dân số và những khu công nghiệp, vấn đề năng lượng đang trở thành nhu cầu bức thiết của nhiều quốc gia, đặc biệt là ở khu vực sông Mê Kông bởi nơi này bao gồm nhiều nước đang trên đà phát triển.
Chính vì thế, nhiều nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia đang muốn xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng sông này để tận dụng nguồn năng lượng thủy điện vô tận nơi đây. Tuy nhiên, việc xây dựng những đập thủy điện ở thượng nguồn như vậy lại có ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, nguồn nước, an sinh xã hội và đời sống người dân của khoảng 60 triệu người ở khu vực hạ lưu dòng Mê Kông, đặc biệt là vùng Biển Hồ (Campuchia) và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Những hệ lụy khôn lường
Theo tìm hiểu, sông Mê Kông là một trong mười dòng sông lớn nhất thế giới, tính về lưu lượng dòng nước. Nó được bắt nguồn từ địa phận tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy qua địa phận các nước như Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra biển Đông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Ngoài việc cung cấp phù sa, khoáng sản cho hàng triệu héc ta đất đai nông nghiệp, nuôi sống hàng trăm triệu người, dòng sông này còn mang đến nguồn thủy hải sản khổng lồ cũng như có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc điều tiết môi trường sống của hệ động thực vật trong lưu vực mà nó chảy qua. Chính vì vậy, khi hàng loạt dự án đập thủy điện được triển khai xây dựng ở khu vực thượng nguồn của dòng sông này, rất nhiều hệ lụy tiêu cực về môi trường đã lập tức ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hệ động thực vật phong phú dưới hạ lưu. Cụ thể, tại lãnh thổ Trung Quốc, nơi sông Mê Kông được gọi là sông Lan Thương, chiếm tới gần một nửa chiều dài dòng sông này đã có hàng chục đập thủy điện lớn nhỏ được xây dựng. Đó là những đập Mạn Loan, đập Tiểu Loan, Triều Sơn, Cảnh Hồng… Và tại lãnh thổ nước Lào, nhiều dự án đập thủy điện ngăn dòng sông này cũng được thực hiện, đặc biệt là con đập mang tên Xayaburi, nằm ngay trên dòng chính của sông Mê Kông, gần như cắt đôi dòng sông này, thay đổi hoàn toàn những quy luật từ xưa đến nay của nó. Theo nhiều chuyên gia môi trường, những con đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc có lưu lượng nước ít, chỉ chiếm khoảng mười phần trăm tổng số lượng nước của toàn bộ sông Mê Kông nên những thay đổi mà nó gây ra không ảnh hưởng nhiều khu vực hạ lưu. Tuy nhiên, với những con đập thủy điện ở lãnh thổ nước Lào, những tác động mà nó gây ra, đặc biệt là vùng Biển Hồ (Campuchia) và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam là cực kỳ lớn. Theo đó, nhiều người cho rằng, hầu hết những loại cá nước ngọt trọng lượng lớn, lên đến hàng trăm ký lô như cá hô, cá tra dầu, cá chép… trên sông Mê Kông có thể sẽ bị suy giảm, dẫn tới là tuyệt chủng bởi chế độ dòng chảy, lưu lượng nước ở dòng Mê Kông sẽ thay đổi rất nhiều, khiến chúng khó có thể tồn tại được vì thức ăn và môi trường sinh sản cũng bị biến đổi theo. Tuy nhiên, những loài cá khổng lồ trên không phải là những loài thủy sinh vật duy nhất bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trên dòng Mê Kông mà hàng trăm loài tôm cá khác cũng bị ảnh hưởng do những thay đổi ở phía thượng nguồn, kéo theo vô vàn những hệ lụy tiêu cực mà con người sẽ phải gánh chịu. Chắc chắn, đây chính là mối hiểm họa lớn nhất mà những khu vực hạ lưu như ở Đồng bằng sông Cửu Long của nước ta sẽ phải gánh chịu.   
Tuy nhiên, môi trường, hệ sinh thái và sự đa dạng của hệ động thực vật không phải là những thứ duy nhất bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trên dòng Mê Kông mà rất nhiều những hệ lụy khác, như lũ lụt, hạn hán và xâm thực mặn cũng sẽ kéo theo những dự án thủy điện nơi đây. Cụ thể, hàng trăm ngàn héc ta đất đai trồng trọt cũng như những khu vực chăn nuôi tôm cá của người dân ở phía hạ lưu sẽ có nguy cơ phá sản bởi những thay đổi chế độ nguồn nước, dòng chảy trên dòng sông này. Có lẽ, chỉ những ai từng sinh sống ở ven những dòng sông mới hiểu được tầm quan trọng của nguồn nước nơi đây. Nó gần như ảnh hưởng tới tất cả mọi hoạt động của người dân nên nếu có những biến động lớn ở thượng nguồn, cuộc sống của mọi người chắc chắn sẽ bị đảo lộn.
Chung tay tìm những giải pháp
Theo những chuyên gia về môi trường, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở nước ta được hình thành chính là nhờ sự bồi đắp phù sa qua hàng triệu năm của khu vực sông Mê Kông. Điều đó có nghĩa là vùng châu thổ rộng lớn này dễ bị tổn thương nhất khi có những tác động tiêu cực của dòng Mê Kông. Và, những giải pháp để ngăn chặn tình trạng này thực tế là một điều không dễ dàng. Ban đầu, khi những dự án thủy điện nhỏ, nằm ở những dòng phụ, thuộc chi lưu đổ nước về dòng chính sông Mê Kông ở thượng nguồn được triển khai, nhiều chuyên gia đã bắt đầu cảm nhận được những thay đổi khó lường của môi trường. Vì thế, các nước mà sông Mê Kông chảy qua, trừ Trung Quốc đã thành lập lên Ủy ban vùng Mê Kông để cùng nhau chung tay, tìm giải pháp chung, hài hòa giữa môi trường và lợi ích kinh tế từ những đập thủy điện này mang lại. Mặc dù vậy, do đây là một tổ chức hoạt động dạng phi chính phủ, nên tính hiệu quả của nó chưa cao. Nghĩa là, hầu hết những vấn đề môi trường mà Ủy ban tiểu vùng Mê Kông đề cập đều không nhận được phản hồi tích cực từ những Chính quyền những quốc gia đang chuẩn bị xây dựng những đập thủy điện.
Mặc dù những tác động đến môi trường, an ninh lương thực hay gây ra những biến đổi khó lường của khí hậu là những tác động chính nhưng nhiều người còn cho rằng, nếu những đập thủy điện chắn ngang dòng Mê Kông được hoàn thành, nó còn ảnh hưởng to lớn đến giao thông và sự giao lưu, thông thương giữa các nước trong khu vực bởi sông Mê Kông từng là một con đường thủy quan trọng ở khu vực. Khi ấy, nhiều người cho rằng, sau khi hình thành hàng loạt đập thủy điện, nhiều đoạn dòng sông ở phía trước đập sẽ trở thành những hồ nước dài khoảng 100km. Khi đó dòng chảy ở thượng lưu giảm, lượng phù sa đổ về vùng châu thổ sẽ giảm theo và làm gia tăng hiện tượng sạt lở bờ sông. Lượng phù sa đó cũng không đủ bù đắp dinh dưỡng cho đất canh tác, muốn duy trì năng suất trong nông nghiệp thì phải sử dụng thêm lượng phân bón khiến chi phí sản xuất tăng lên. Trong khi dòng chảy giảm làm mất đi khả năng rửa trôi, từ đó nạn ô nhiễm môi trường càng thêm trầm trọng. Mặt khác, các đập này không cắt lũ vào mùa lũ sẽ khiến lũ diễn biến bất thường, còn mùa khô làm kiệt thêm dòng chảy nên mặn sẽ xâm nhập sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long.
Vậy nhưng, theo những báo cáo tại những hội thảo mà Ủy ban tiểu vùng sông Mê Kông nghiên cứu, không chỉ những nước ở dưới hạ lưu mà ngay cả những vùng lãnh thổ ở thượng nguồn, nơi có những con đập thủy điện chắn ngang cũng bị ảnh hưởng nặng nề về môi trường và an sinh xã hội. Đó chính là lượng thủy hải sản di cư theo dòng chảy từ phía hạ lưu ngược lên đã không còn, làm mất mát nguồn tài nguyên và sinh kế của hàng triệu người dân. Chưa kể, khi xây dựng những đập thủy điện đó, nỗi lo về sự an toàn cũng hết sức đáng ngại khi mà những biến động của thời tiết, khí hậu đang ngày càng khó lường hơn bao giờ hết.
Vì vậy, thực tế thì mặc dù dòng chảy ở sông Mê Kông là cực lớn nhưng do địa hình có độ dốc không lớn nên tiềm năng điện năng không nhiều mà những đánh đổi về môi trường an sinh xã hội lại vô cùng to lớn, có thể sẽ mất đi vĩnh viễn khiến nhiều chuyên gia nghiên cứu độc lập cũng lên tiếng cảnh báo những con đập này. Đó chính là một bài toán mà bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thông tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h.
Liên hệ: Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội\_Phân viện phía nam.
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
Email: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com
Đoàn Đại Trí

Tin nổi bật