Là hạ lưu của một trong những dòng sông lớn nhất thế giới là sông Mê kông nên không có gì lạ khi năm nào cũng vậy, cứ mùa mưa đến là hàng ngàn hộ dân ở đồng bằng sông Cửu Long sinh sống ven các bờ sông lại nơm nớp lo sợ vì tình trạng sạt lở đất. Có thể nói, việc dòng nước cuốn trôi đi hàng trăm khối đất đai màu mỡ ven bờ không chỉ gây nguy hại tới đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, tài nguyên đất đai cũng như làm biến đổi môi trường tự nhiên nơi đây.
Nhiều nơi sạt lở
Không khó khăn gì khi kể ra những địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất khi mùa mưa đến ở khu vực châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài việc gây lên nỗi bất an cho người dân, nó còn làm cho hàng trăm công ty, nhà máy xí nghiệp phải sống trong thấp thỏm lo âu. Kéo theo đó là sự biến đổi về môi trường, hệ sinh thái cũng như gây thiệt hại về đời sống kinh tế xã hội. Theo tìm hiểu, một số địa điểm được cho là thường xuyên xảy ra các tình trạng sạt lở đất là ven các dòng sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên… Như ở tỉnh Hậu Giang chẳng hạn, một tuyến bờ bao bề mặt rộng 6m, dài 24m đã sạt lở xuống kênh Thạnh Đông, thuộc xã Phú An, huyện Châu Thành, hồi tháng 7 vừa qua làm tuyến giao thông đường bộ khu vực này bị cắt đứt hoàn toàn. Theo thống kê ghi nhận, riêng tại địa bàn huyện Châu Thành (Hậu Giang) thời gian vừa qua đã xảy ra 21 vụ sạt lở làm mất 3.700m² đất trôi xuống sông, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Theo Sở Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có hơn 100 điểm dọc các bờ sông có nguy cơ sạt lở cao. Các điểm này tập trung ở tuyến sông Cái Côn, Mái Dầm, Cái Dầu, Ngã Sáu, Nàng Mao… Có thể nói, đây chỉ là những địa điểm sạt lở lớn, còn những xói mòn, rửa trôi ở mùa mưa lũ thì không làm sao kể hết.
Thế nhưng, đó không phải là địa phương duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải chịu sự tàn phá của sạt lở mà ở tỉnh Đồng Tháp, nơi con sông Tiền chảy qua khu vực phường 11, Thành Phố Cao Lãnh cũng là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng này. Có thể nói, tình trạng sạt lớn ven bờ ở các địa phương trên luôn ở trong tình trạng báo động khi mùa mưa lũ đến. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở nhiều địa phương khác. Thống kê tại các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu cho thấy: Có 18 khu vực sạt lở với tốc độ 10m/năm, 37 khu vực sạt lở với 5-10m/năm và 26 khu vực sạt lở với tốc độ nhỏ hơn 5m/năm. Cà Mau là vùng đặc trưng sạt lở ảnh hưởng thủy triều với 48 vị trí sạt lở bờ ở sông Gành Hào, Cửa Lớn, cửa Bồ Đề, Sông Đốc… Trong khi Tiền Giang là vùng đặc trưng ảnh hưởng của thủy triều và dòng chảy từ thượng nguồn bởi nơi đây là đoạn hạ lưu mà lòng sông lại rộng, có nơi lên đến vài cây số khiến tình trạng này rất phức tạp. Có thể thấy rằng, tình trạng sạt lở gần như bủa vây khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở khắp nơi khiến nhiều người cảm thấy rất lo lắng.
Theo đó, nhiều nơi mà chỉ sau một đêm ngủ dậy, người dân bỗng thấy hàng trăm mét đất đai, nhà cửa vườn tược bị nước sông cuốn trôi ra biển. Theo những chuyên gia môi trường, việc sạt lở đất đai ở ven những bờ sông lớn có nhiều nguyên nhân. Trong đó, sự biến đổi thất thường của thời tiết, khí hậu là quan trọng nhất. Khi đó, dòng nước trở nên bất thường, các chế độ của dòng chảy cũng thường xuyên bị đảo lộn làm hệ sinh thái ven bờ sông không thích nghi kịp. Ngoài ra, có một nguyên nhân nữa cũng hết sức quan trọng, đó chính là do lượng ghe, thuyền trên sông quá nhiều, lại chủ yếu là loại công suất lớn chở hàng hóa thường xuyên đi qua lại, gây lên những đợt sóng nhân tạo làm đất đai bị xói lở theo. Lâu dần, đất đai cũng bị sạt lở.
Những giải pháp ngăn chặn
Nhiều hội thảo chống sạt lở đã được tổ chức ở đồng bằng sông Cửu Long với mục đích nhằm hạn chế cũng như khắc phục tình trạng này. Theo nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và hiểu tính chất thổ nhưỡng ở đây thì, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có cấu tạo địa chất là đất nền thấp, yếu, được tạo lên bởi phù sa nhiều năm bồi đắp. Vì vậy, do kết cấu trầm tích của đất ven bờ sông Tiền, sông Hậu… kém, chưa qua quá trình nén chặt tự nhiên nên đất bị bão hòa, độ gắn kết thấp giữa các lớp, các tầng bề mặt và dưới ven lòng sông chưa thực sự kết dính. Mặt khác, yếu tố thủy văn của hệ thống sông Mê kông phía thượng nguồn Việt Nam có sự thay đổi lớn giữa các mùa trong năm. Vào mùa lũ, lưu lượng và tốc độ dòng chảy lớn, làm xói mòn đáy sông và ven bờ, sự chênh lệch khoảng cách giữa mực nước triều cường mùa lũ và mùa khô hơn 3 mét. Mực nước chân triều cường thấp nhất sẽ làm giảm sức nâng của nước với bờ, dễ xảy ra hiện tượng trượt bờ. Chính vì thế, việc cứ mùa mưa lũ là hàng trăm địa điểm ở ven bờ sông bị sạt lở là điều khó tránh khỏi. Nguy hại hơn nữa, những địa điểm đã sạt lở lại thường xuyên tái diễn và có chiều hướng phức tạp hơn do chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng sạt lở đất ở khu vực ven sông là do tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tràn lan, ở hầu hết các dòng sông chính trong khu vực. Khi đó, thổ nhưỡng ở đáy sông bị biến đổi, cụ thể là hình thành những hố lớn do cát mất đi. Những hố này sẽ không chỉ lấn dần đất cát ven bờ mà chúng còn làm thay đổi dòng chảy của nước sông như nước xoáy, sóng cuộn...khiến nguy cơ đất ven bờ bị cuốn đi là rất lớn.
Để khắc phục tình trạng đất đai sạt lở thì cách tốt nhất là bảo vệ môi trường, cụ thể là môi trường sông. Đầu tiên là việc trồng cây ven bờ sông để giữ đất. Đó là những loại cây khá quen thuộc như bần, trang… hai bên bờ sông làm tăng độ liên kết của đất đai. Tuy nhiên, ngày nay, khi mà tình trạng phát triển dân số quá nóng, việc người dân xây dựng nhà cửa lấn chiếm hành lang bảo vệ dòng sông, sát bên bờ sông cũng khiến việc bảo vệ bị ảnh hưởng rất nhiều. Mặc dù nhìn qua, việc xây dựng nhà cửa ven sông sẽ làm cho đất đai ở khu vực đó ít bị sạt lở đi nhưng thực chất, xét một cách tổng thể, theo các chuyên gia môi trường, việc xây dựng nhà cửa đã làm biến đổi rất nhiều chế độ dòng chảy, gây ra xói mòn ở quanh khu vực đó. Bởi vậy, những nơi nào nhà cửa ở ven bờ sông nhiều, không được quy hoạch đúng trình tự thì xung quanh nơi đó, sạt lở diễn ra trầm trọng hơn.
Cuối cùng là xây kè, đê bao ở các ven bờ sông, làm giảm sự mất mát của đất đai ở khu vực này. Đây là điều hết sức quan trọng, không chỉ bởi vì ngăn chặn sự sạt lở của tài nguyên đất mà còn bảo vệ con người và môi trường trước sự thay đổi của dòng chảy. Ngày nay, khi ở thượng nguồn các nước khác, sông Mê kông đã bị biến đổi bởi những hệ thống thủy điện khiến cho dưới hạ lưu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị biến đổi rất nhiều, gây lên những xáo trộn nhất định, nhất là sự khác thường của chế độ dòng chảy. Vì vậy, việc tạo ra những khu vực bờ kè đủ sức chống chịu với thay đổi của dòng nước là rất cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này là khá tốn tiền của và thực tế, chỉ một lượng rất nhỏ ven bờ sông trong khu vực có hệ thống kè mà thôi.
Vì vậy, để kết hợp có hiệu quả, chính quyền địa phương cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ hệ sinh thái bờ sông và tài nguyên đất ven sông. Nó không chỉ có ý nghĩa cho cuộc sống của chính người dân mà về tương lai, nó còn làm cho môi trường sống không bị mất cân bằng.
Đoàn Đại Trí
CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
EMAIL: viennghiencuumoitruongvaxahoi@gmail.com