Báo Lao động đưa tin, sáng 12/1, tại buổi họp báo tổng kết công tác trọng tâm năm 2023 của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), đại diện KBNN cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số tiền ủng hộ vào Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 là 10.871 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 229,4 tỷ đồng).
Chi từ Quỹ là 7.672,2 tỷ đồng. Trong đó, chi mua và sử dụng vắc-xin 7.667,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin 4,6 tỷ đồng. Số dư Quỹ tính đến cuối ngày 31/12/2023 là 3.198,7 tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước họp tổng kết năm 2023. Ảnh: KBNN
Theo đại diện KBNN, trong năm 2023, Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 tiếp tục được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch Quỹ theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn tiền của Quỹ được dùng để hỗ trợ mua vắc-xin và nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, theo phê duyệt của Thủ tướng và đề nghị của Bộ Y tế. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí, trình Thủ tướng quyết định chi từ quỹ.
Thực hiện nguyên tắc bảo toàn và phát triển Quỹ, căn cứ kế hoạch chi của Bộ Y tế, khả năng nguồn vốn nhà rỗi của Quỹ và tình hình thị trường, Ban Quản lý Quỹ đã tổ chức thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định.
Hiện Quỹ được công khai Báo cáo tài chính và danh sách các tổ chức, cá nhân đóng góp theo định kỳ trên Cổng thông tin điện tử của KBNN.
Thông tin thêm về công tác quản lý quỹ của KBNN, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết, theo thông lệ chung về quản lý ngân quỹ, từ 2017 KBNN trình Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền để nâng cao hiệu quả dòng tiền mà KBNN đang quản lý.
"Trước đây, dòng tiền mà KBNN đang quản lý chỉ gửi không kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, để phục vụ nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, qua các năm số dư tương đối ổn định, nếu chúng ta không sử dụng thì rất lãng phí cho nên KBNN trình và Chính phủ ban hành Nghị định 24 để được sử dụng dòng tiền trong thời gian tạm thời nhàn rỗi.
Ưu tiên số 1 khi sử dụng nguồn tiền đó là cho ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương vay, tạm ứng..., còn nếu ngân sách trung ương ngân sách địa phương hết nhu cầu, KBNN sẽ gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại", bà Huệ thông tin.
Theo báo Công Thương, Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp.
Theo quy định, quỹ được dùng vốn nhàn rỗi gửi tại các ngân hàng thương mại, nhằm bảo toàn, phát triển vốn.
Ngoài quỹ vắc-xin, còn có một số quỹ có quy mô lớn, nguồn thu và chi lớn mỗi năm, như Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ tích lũy trả nợ, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn lại là quy mô nhỏ, hoạt động hẹp.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, đây là một trong số quỹ hoạt động hiệu quả, huy động được nguồn lực lớn trong thời gian ngắn thành lập.
Vân Anh (T/h)