AFP đưa tin, ngày 9/7 (giờ địa phương), Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa buộc phải rời dinh thự ở thủ đô khi làn sóng biểu tình lan rộng, yêu cầu ông từ chức.
"Tổng thống đã được hộ tống đến nơi an toàn", nguồn tin quốc phòng của Sri Lanka thông báo, đồng thời cho biết quân đội Sri Lanka đã bắn chỉ thiên để ngăn đám đông biểu tình giận dữ tràn vào dinh tổng thống.
Người biểu tình tràn xuống đường phố Colombo ngày 9/7. Ảnh: Reuters
Sáng 9/7, ước tính hơn 100.000 người ở Thủ đô Colombo đã xuống đường biểu tình, bao vây các trụ sở chính quyền và yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa giữa lúc quốc gia này lún sâu vào khủng hoảng.
Một đoạn video phát trên kênh truyền hình địa phương NewsFirst cho thấy nhiều người biểu tình cầm cờ Sri Lanka và mũ bảo hiểm xông vào dinh thự của Tổng thống, trong khi hàng nghìn người cũng đã phá cổng Văn phòng thư ký Tổng thống và Bộ Tài chính.
Các nhân viên quân sự và cảnh sát tại cả hai địa điểm trên đã không thể kiềm chế đám đông. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho biết Tổng thống Rajapaksa đã được đưa ra khỏi khu nhà này từ ngày 8/7 để bảo đảm an toàn, trước khi người dân tham gia phong trào xuống đường rầm rộ.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ngày 9/7 đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình và đi đến một giải pháp nhanh chóng, đồng thời yêu cầu triệu tập Quốc hội. Ông Wickremesinghe cũng đã được chuyển đến một địa điểm an toàn.
Ít nhất 39 người, trong đó có hai cảnh sát bị thương và phải nhập viện trong các cuộc biểu tình.
Hồi đầu tuần, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết, quốc gia 22 triệu dân này đã vỡ nợ và tình trạng khủng hoảng kinh tế chưa từng có này sẽ kéo dài ít nhất tới cuối năm 2023.
Trong khoảng thời gian đó, người dân Sri Lanka sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men.
Hiện, Sri Lanka gần như không còn xăng dầu và chính phủ buộc phải ra lệnh ngừng các dịch vụ công không thiết yếu nhằm tiết kiệm nhiên liệu.
Cuộc khủng hoảng được cho là tồi tệ nhất kể từ khi Sri Lanka giành được độc lập vào năm 1948.
Theo số liệu của chính phủ Sri Lanka, lạm phát ở nước này trong tháng 6 lên hơn 54%, chủ yếu do giá nhiên liệu tăng. Quốc đảo Nam Á buộc phải ngừng in tiền để đối phó lạm phát.
Hoa Vũ (T/h)