(ĐSPL) – Hàn Quốc ngày 14/8 bày tỏ quan tâm đến phòng thủ tên lửa “Vòm Sắt” của Israel trước sự gây hấn đến từ Triều Tiên.
Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành (CEO) Yedidia Yaari của Rafael Advanced Systems cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thành Isarel: “Hàn Quốc rất lo ngại không chỉ vấn đề rocket mà còn cả những vấn đề khác. Đó chỉ là một trong số rất nhiều quốc gia quan tâm đến hệ thống ‘Vòm Sắt’ (Iron Dome)”.
Đại diện tập đoàn Rafael đã đến Hàn Quốc để bàn về việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa này cho Hàn Quốc. Seoul quan tâm đến “Vòm sắt” sau những vụ thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng trong năm nay. Đặc biệt là khi Triều Tiên bắn tên lửa đúng vào chuyến thăm của Giáo hoàng Francis đến Hàn Quốc ngày 14/8.
|
Hệ thống tên lửa "Vòm Sắt" của Israel |
Theo người đại diện của Rafael, hệ thống phòng thủ “Vòm Sắt” có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, đánh chặn các tên lửa trong cự ly 4-70km và tập đoàn còn đang muốn nâng cấp một phiên bản mới với tầm đánh chặn xa hơn. Như vậy, “Vòm sắt” hoàn toàn có thể bảo vệ Seoul khi thủ đô của Hàn Quốc chỉ cách khu vực phi quân sự với Triều Tiên (DMZ) khoảng 35km.
Hệ thống “Vòm sắt” có radar tích hợp với khả năng xác định trước điểm rơi của tên lửa, qua đó sẽ không đánh chặn nếu như tên lửa không rơi vào các khu vực trọng yếu. Quân đội Israel từng nói rằng “Vòm sắt” có thể đánh chặn đến 90\% các vật thể trong cuộc giao tranh với tổ chức Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc đánh tiếng muốn mua hệ thống phòng thủ tên lửa “Vòm sắt” từ Israel. Tạp chí Foreign Policy từng đưa tin vào năm 2011, khi đó các quan chức quân đội Hàn Quốc đã muốn mua hệ thống “Vòm sắt” bằng cách đổi lấy máy bay chiến đấu, tàu chiến máy bay trực thăng.
Ngoài sự lo lắng với những hành động gây hấn của Triều Tiên, Reuters mô tả Hàn Quốc đã hoàn toàn “ấn tượng” với hệ thống này trước sự tấn công bằng rocket của Hamas và Hezbollah.
|
Việc Triều Tiên tăng cường thử tên lửa trong năm nay khiến Hàn Quốc hết sức lo ngại |
Một trong những vấn đề Hàn Quốc còn lo ngại là chi phí mua hệ thống này từ Israel. Mỗi hệ thống “Vòm sắt” trị giá khoảng 50 triệu USD, trong khi mỗi tên lửa đánh chắn cũng tiêu tốn 30.000-50.000 USD. Theo ước tính Triều Tiên có thể bắn 7.000 quả tên lửa vào lãnh thổ Hàn Quốc và chi phí cho việc đánh chặn này sẽ tiêu tốn đến 210 triệu USD. Đó là chưa kể Hàn Quốc phải mua nhiều hệ thống “Vòm sắt” tiên tiến để tạo nên một khu vực phòng thủ hiệu quả.
Ngay cả khi đã ngăn chặn được các tên lửa từ Triều Tiên, Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với khả năng Bình Nhưỡng pháo kích. Hiện Rafael đang ưu tiên sản xuất thêm 3 hệ thống “Vòm sắt” cho quân đội Israel nên nếu mua hệ thống này, Seoul sẽ phải chờ đợi thêm vài năm tới.
Cuối cùng, nhược điểm lớn của hệ thống “Vòm sắt” là không thể đánh chặn được các tên đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân từ Trung Quốc hay Triều Tiên.