Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hải Dương: "Cát tặc" hoành hành, chính quyền bất lực?

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Nhiều năm qua, người dân tại xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương rất bức xúc khi nạn khai thác cát trái phép diễn ra công khai, rầm rộ cả ngày lẫn đêm.

(ĐSPL) - Nhiều năm qua, người dân tại xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương vô cùng phẫn nộ khi nạn khai thác cát trái phép diễn ra công khai, rầm rộ cả ngày lẫn đêm, khiến hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp đã và đang bị “nuốt chửng” ngay trước mắt các cấp chính quyền sở tại.

Video:

Dân hoang mang
Theo một số người dân sinh sống lâu năm tại xã Đại Đức, cánh đồng Cây Chanh là khu vực đất bãi ven sông Lạch Tray. Do điều kiện canh tác khó khăn, thường xuyên mất mùa  và dịch bệnh phá hoại mùa màng nên bà con bỏ ruộng ngày càng nhiều.
Năm 2007, UBND huyện Kim Thành tiến hành chuyển đổi đầu tư xây dựng vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản với Dự án chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi triển khai, dự án phải tạm dừng do vấp phải sự phản đối của bà con trong việc thu hồi để xây dựng các công trình phụ trợ như đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, hệ thống trạm bơm…
Từ đó đến nay, một phần diện tích vẫn được bà con cày cấy, một phần được chuyển đổi thành ao thả cá, đầm nuôi cấy rươi; còn lại vẫn trong tình trạng bỏ hoang.
Thêm vào đó, khu vực này thường xuyên có các tàu khai thác cát trái phép ngày đêm quần thảo, xâm lấn đê quai khiến cho bà con không dám vào canh tác, nuôi trồng tại cánh đồng Cây Chanh.

“Cát tặc” ngang nhiên hút cát trái phép giữa ban ngày 

Ông Phạm Văn Hao, trú tại thôn Đồng Tâm bức xúc: “Mấy năm gần đây, cát tặc ngang nhiên cho tàu vào hoạt động suốt ngày đêm mà cơ quan chức năng địa phương không dẹp nổi. Bà con đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng họ làm ngơ”.
Một người dân sống gần cánh đồng Cây Chanh cho biết: “Ban ngày họ ít hoạt động chứ đêm nào cũng có 4- 5 tàu hút công suất lớn tập trung khai thác rầm rầm như công trường. Đê quai sạt lở rồi họ “ăn” vào bên trong ruộng, có chỗ sâu tới 15 – 20m”.
Theo ghi nhận của PV, hơn 300 mét tuyến đê quai dọc sông Lạch Tray đoạn qua khu vực cánh đồng Cây Chanh, xã Đại Đức đã bị cát tặc “nuốt chửng”, sau đó ăn sâu vào nội đồng hàng chục nghìn m2, gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng phần diện tích đất canh tác của một số hộ dân và ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động sản xuất trong khu vực cánh đồng Cây Chanh khi mùa nước lên.

Tuyến đê quai và hàng chục nghìn m2 đất đã bị biến thành một vùng nước mênh mông

“Cát tặc” ở đây thường hoạt động mạnh vào buổi tối, ban ngày chỉ có 1,2 tàu thỉnh thoảng vào “ăn hàng”, khi thấy động sẽ rút vòi bỏ chạy sang phía bờ sông thuộc huyện An Lão (Hải Phòng) để tránh bị truy đuổi.

Được biết, những tàu cát này cung cấp cho một số bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Đại Đức, huyện Kim Thành và huyện An Lão (Hải Phòng). Tại một bến bãi thuộc địa bàn xã Đại Đức cách khu vực cát tặc hoạt động không xa, thường xuyên có 3,4 tàu, với đầy đủ trang thiết bị hút cát công suất lớn neo đậu.
Những hoạt động này đã gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của nhân dân, đất đai của nhà nước và công tác quản lý đê điều. Tuy nhiên, không hiểu các cấp chính quyền tại đây “bất lực” hay cố tình làm ngơ, gián tiếp tiếp tay cho cát tặc hoành hành?

Trách nhiệm của chính quyền ở đâu?

Nhiều lần, người dân đã thông báo tới UBND xã Đại Đức và huyện Kim Thành về việc cát tặc hoành hành, “hút” mất hàng chục nghìn m2 đất ruộng của bà con nhưng không cơ quan nào đứng ra giải quyết.
Trao đổi với PV, ông Ngô Xuân Hồng – Phó chủ tịch UBND xã Đại Đức thừa nhận, việc khai thác cát trái phép đã diễn ra từ lâu và hiện đã giảm nhiều. Năm 2012, UBND Xã Đại Đức và UBND huyện Kim Thành đồng thời thành lập 2 ban chỉ đạo để nắm bắt, xử lý tình trạng trên.
Về công tác quản lý địa bàn và xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, ông Hồng “đá” quả bóng trách nhiệm cho các cơ quan chức năng huyện Kim Thành. Ông Hồng cho biết,  sau 3 năm đi vào hoạt động, ban chỉ đạo đã phát hiện được một số vụ việc. Nhưng xã chỉ có chức năng tuần tra kiểm soát và… thông báo lên huyện về giải quyết chứ xã không xử lý được. Còn vấn đề ngăn chặn, xử lý, xử phạt cụ thể thế nào, xã… cũng không nắm được?!

Ông Ngô Xuân Hồng – Phó chủ tịch UBND xã Đại Đức trao đổi cùng PV

Làm việc với lãnh đạo huyện Kim Thành, ông Lê Ngọc Sang – Phó chủ tịch UBND huyện trần tình: “huyện Kim Thành có tới 54 km đường sông, nên tàu bè qua lại không ngớt. Nhưng với tinh thần quyết tâm, chúng tôi đã ngăn chặn khai thác cát lậu hết sức quyết liệt và đến thời điểm này cơ bản đã chặn đứng được. Chỉ còn tình trạng lén lút ở một số nơi, khó kiểm soát”.
Về trách nhiệm của UBND xã Đại Đức, ông Lê Ngọc Sang khẳng định: “Trách nhiệm của xã là phải thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện được thì phải tổ chức vây bắt, thu giữ, thấy khó thì phải báo cáo để huyện tăng viện”.
Lý giải về những thông tin, hình ảnh PV đã ghi nhận được việc cát tặc ngang nhiên hút, bơm cát giữa ban ngày và trên chính địa bàn của mình, ông Sang tỏ ra bất ngờ: “Trường hợp này chúng tôi không nắm được”!...
Có hay không, việc chính quyền “bảo kê” cho cát tặc lộng hành? Câu trả lời, xin dành cho UBND xã Đại Đức (Kim Thành) và các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Tin nổi bật