Đóng

Hai đảo ở Nhật Bản dịch chuyển cách xa nhau gần 10 cm chỉ trong ba ngày

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Hai đảo Kodakarajima và Takarajima trước đó chỉ cùng dịch chuyển về hướng đông bắc, trong khi xu hướng hiện tại cho thấy chúng đang ngày càng tách rời nhau.

Hoạt động địa chấn đã gia tăng hơn trong những tuần gần đây quanh chuỗi đảo Tokara thuộc tỉnh Kagoshima của Nhật Bản. Giáo sư Yusaku Ohta của Khoa Sau đại học ngành khoa học tự nhiên thuộc Đại học Tohoku đã phân tích dữ liệu dịch chuyển vỏ Trái đất từ Cơ quan Thông tin Địa không gian Nhật Bản và các trạm thu phát sóng điện thoại di động.

Ông phát hiện đảo Kodakarajima đã di chuyển 6 cm về phía bắc - tây bắc trong khoảng thời gian ba ngày, kể từ khi trận động đất mạnh 5,6 độ xảy ra hôm 2/7.

Cùng thời gian đó, đảo Takarajima di chuyển 3,5 cm theo hướng ngược lại về phía nam, khiến hai hòn đảo cách xa nhau thêm gần 10 cm. Hai đảo này đều thuộc nhóm đảo Tokara ở tỉnh Kagoshima.

Theo ông Ohta, việc hai đảo dịch chuyển như vậy chưa từng được ghi nhận, nhưng điều đáng chú ý là hai đảo trước đó chỉ cùng dịch chuyển về hướng đông bắc, trong khi xu hướng hiện tại cho thấy chúng đang ngày càng tách rời nhau.

Nhóm đảo Tokara ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Ảnh: NHK

Hoạt động địa chấn gia tăng những tuần gần đây quanh nhóm đảo này. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, từ ngày 21/6 đến 9/7, nhóm đảo Tokara đã ghi nhận 1.688 đợt rung chấn.

Hoạt động địa chấn tương tự cũng xảy ra ở nhóm đảo Tokara vào tháng 9/2023, khi 346 đợt rung chấn được ghi nhận trong vòng 15 ngày.

Tuy nhiên, ông Ohta nhận định rằng dịch chuyển này có thể không phải do trận động đất gây ra, xét từ quy mô và khoảng cách giữa tâm chấn với hai đảo.

Ông đưa ra khả năng nguyên nhân có thể là do các yếu tố khác bao gồm chất lỏng như magma thấm vào vỏ Trái đất và lan rộng, hoặc một đứt gãy đang trượt chậm tại khu vực nông của mảng lục địa.

Giáo sư nói rằng hiện vẫn chưa rõ liệu sự dịch chuyển vỏ Trái đất lần này có dẫn đến một trận động đất lớn hay không. Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu trong quá khứ để làm rõ hiện tượng này.

Nhật Bản, với dân số 125 triệu người, là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới do nằm trên 4 mảng kiến tạo chính dọc theo rìa phía tây của "Vành đai lửa" Thái Bình Dương. Đất nước này hứng chịu khoảng 1.500 trận động đất mỗi năm và chiếm khoảng 18% số trận động đất trên thế giới.

Chính phủ Nhật hồi tháng 3 cảnh báo về hậu quả nếu "siêu động đất" xảy ra trong 30 năm tới ở rãnh ngầm Nankai chạy dọc bờ biển Thái Bình Dương phía nam nước này.

Bản đồ khu vực ảnh hưởng của siêu động đất rãnh Nankai. Ảnh: Cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản lập.

Rãnh ngầm Nankai là vùng hút chìm dài khoảng 800 km, chạy từ Shizuoka, phía tây Tokyo, đến cực nam đảo Kyushu. Đây là nơi mảng Á - Âu va chạm với mảng biển Philippines, khiến nó trượt xuống và chìm vào lớp phủ Trái Đất. Vùng hút chìm thường tạo ra những trận động đất mạnh 8-9 độ.

Nếu siêu động đất xảy ra, tổng cộng 764 huyện tại 31 trên 47 tỉnh thành sẽ hứng chịu rung chấn ở cấp 6 trên thang địa chấn 7 cấp ở nước này, cũng như sóng thần cao ít nhất 3 mét.

Siêu động đất kèm sóng thần có thể gây thiệt hại lên tới gần 2.000 tỷ USD, khiến 298.000 người chết, trong đó 215.000 người thiệt mạng do sóng thần, 73.000 người chết do sập nhà, 9.000 người chết do hỏa hoạn.

Tin nổi bật