Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đưa Huawei vào “danh sách đen”, ARM và Panasonic cũng theo chân các tập đoàn khác đồng loạt ngừng cung cấp con chip và linh kiện khác cho Huawei.
Hãng thiết kế con chip ARM thuộc sở hữu tập đoàn SoftBank và một công ty khác của Nhật Bản là Panasonic vừa đồng loạt tuyên bố dừng cung cấp cho Huawei để tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Theo hãng tin Bloomberg, một số tài sản trí tuệ của ARM (chủ yếu là các thiết kế thiết bị bán dẫn sử dụng cho thiết bị di động) được tạo ra ở Mỹ nên phải chịu các hạn chế về cung cấp cho Huawei mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đặt ra mới đây.
Hai công ty Nhật vừa tuyên bố ngừng cung cấp link kiện cho Huawei. Ảnh minh họa |
Về phía Panasonic, ngày 23/5, hãng cho biết đã ngừng cung cấp một số loại linh kiện cho Huawei. Hãng cũng đã hướng dẫn nhân viên dừng giao dịch với Huawei và 68 công ty con thuộc phạm vi lệnh cấm của Mỹ.
Tuy không có cơ sở sản xuất linh kiện quy mô lớn tại Mỹ, nhưng Panasonic không nói rằng, lệnh cấm của Washington áp dụng đối với hàng hóa có từ 25% trở lên công nghệ và vật liệu xuất xứ từ Mỹ.
Trước đó, theo Vietnamfinance, các tập đoàn sản xuất chíp và thiết bị vi tính hàng đầu của Mỹ gồm Google, Intel, Qualcomm, Xilin và Broadcom ngày 19/5 cũng đã ngừng hợp tác và ngừng cung cấp các linh kiện, phần mềm quan trọng cho Huawei.
Sau đó một ngày, nhà sản xuất chip của Đức Infineon Technologies cũng đã dừng xuất xưởng sản phẩm của mình cho Huawei. Infineon vốn là đối tác cung cấp các bộ vi điều khiển và các mạch tích hợp quản lý năng lượng cho Huawei.
Các động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia.
Theo Nikkei Asian Review, đối tác quan trọng của Huawei tại châu Á là TSMC vẫn tiếp tục các hợp đồng cung ứng chip nhưng "đang đánh giá các tác động có thể xảy ra" sau quyết định của chính quyền Mỹ. Một số nhà cung cấp lớn như Toshiba Memory, công ty cung ứng bộ nhớ flash NAND lớn thứ 2 thế giới, liên doanh sản xuất màn hình Japan Display Inc cũng tỏ thái độ thận trọng trước tình hình này.
Phát biểu với giới truyền thông Nhật Bản hôm 18/5, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định tập đoàn vẫn "ổn" ngay cả khi Qualcomm và các nhà cung cấp khác không bán chip cho Huawe và cho biết, hãng đã có sự chuẩn bị trước cho những tình huống này.
Vũ Đậu (T/h)