Dự luật do đảng Cộng hòa đề xuất được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 20/12 với 366 phiếu thuận và 34 phiếu chống. Hầu hết thành viên đảng Dân chủ ủng hộ dự luật, trong khi tất cả phiếu chống thuộc về đảng Cộng hòa.
"Đảng Dân chủ đã thể hiện sự kiên định với cam kết hợp tác chứ không phải chia rẽ. Người dân xứng đáng có chính phủ làm việc vì họ", hạ nghị sĩ Dân chủ Bennie Thompson viết trên mạng xã hội.
Dự luật đã được gửi đến Thượng viện Mỹ để bỏ phiếu. Các thượng nghị sĩ có thời hạn chót là 0h hôm nay (12h giờ Hà Nội) để phê duyệt dự luật, nếu không những hoạt động không thiết yếu của chính phủ Mỹ sẽ phải ngừng lại, với khoảng 875.000 công chức phải tạm nghỉ và hơn 1,4 triệu người làm việc không lương.
Thượng viện Mỹ, hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, được kỳ vọng sẽ thông qua dự luật, song vấn đề là họ có kịp làm điều đó trước thời hạn chót hay không. Quy trình phê duyệt có thể sẽ mất vài ngày, trừ khi các thượng nghị sĩ nhất trí bỏ qua thủ tục thông thường.
Phê duyệt dự luật ngân sách ở quốc hội Mỹ luôn là nhiệm vụ đầy thách thức, do đảng Cộng hòa và Dân chủ đều không chiếm ưu thế rõ rệt ở lưỡng viện.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: Getty
Dự luật được Hạ viện thông qua sẽ cung cấp ngân sách để chính phủ Mỹ hoạt động đến giữa tháng 3/2025, trong đó có 100 tỷ USD dùng cho viện trợ thiên tai và 10 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho nông dân. Văn kiện này gần như giống hệt dự luật bị bác hôm 19/12, điểm khác là không có điều khoản về đình chỉ trần nợ công trong hai năm mà ông Trump đề ra.
Trong trường hợp chính phủ đóng cửa, nhiều nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc, nhiều dịch vụ công sẽ bị tạm dừng hoặc chẫm trễ khiến cuộc sống thường ngày của người dân sẽ bị xáo trộn. Trong đó, do thiếu hụt về nhân viên an ninh hàng không và kiểm soát không lưu, số chuyến bay bị chậm sẽ tăng lên. Tòa án di trú có thể đóng cửa, khiến hồ sơ tồn đọng tăng lên. Việc kiểm tra an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA) có thể bị gián đoạn. Việc xây dựng các công trình giao thông trên toàn quốc có thể bị đình trệ. Nhiều công viên quốc gia sẽ đóng cửa, mặc dù một số công viên vẫn có thể tiếp cận được với dịch vụ hạn chế dành cho du khách
Ở quy mô quốc gia, việc chính phủ đóng cửa có thể gây ra những hậu quả kinh tế sâu rộng, là lực cản cho tăng trưởng và kéo theo sự bất ổn, đặc biệt nếu kéo dài. Việc này có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp và chi phí vay tăng lên, trong khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm xuống. Theo ước tính, mỗi tuần chính phủ Mỹ đóng cửa có thể khiến nền kinh tế nước này thiệt hại tới 6 tỷ USD.
Nhóm chuyên gia trong ngành du lịch cảnh báo rằng việc đóng cửa có thể khiến các hãng hàng không, khách sạn và các công ty khác thiệt hại 1 tỷ USD mỗi tuần và dẫn đến tình trạng gián đoạn trên diện rộng trong mùa Giáng sinh bận rộn. Các nhà chức trách cảnh báo du khách có thể phải xếp hàng dài tại các sân bay.
Ông Steve Scalise, lãnh đạo Phe đa số Hạ viện, cho biết các nhà lập pháp đã liên lạc với Tổng thống đắc cử Donald Trump nhưng không nói liệu ông có ủng hộ kế hoạch mới hay không.
Các nguồn tin cho biết Nhà Trắng đã cảnh báo các cơ quan chính phủ chuẩn bị cho việc đóng cửa sắp xảy ra. Lần gần nhất chính phủ liên bang đóng cửa là 35 ngày trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump do tranh chấp về an ninh biên giới.
"Nếu có chuyện chính phủ đóng cửa, hãy bắt đầu ngay bây giờ, dưới thời Chính quyền ông Biden, chứ không phải sau ngày 20/1/2025, dưới thời 'TRUMP'", ông Trump bình luận gay gắt trên mạng xã hội.