Theo báo Thanh Niên, ngày 10/1, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025" (Chương trình số 03) đã tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, đến nay đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 4 chỉ tiêu lớn của Chương trình số 03.
Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tháp trung tâm tài chính 1 tỷ USD. Ảnh: Dân trí
Cụ thể, đã hoàn thành 3 trung tâm thương mại: Vin Ocean Park tại H.Gia Lâm, Vinsmart City tại Q.Nam Từ Liêm, Lotte Mall tại Q.Tây Hồ. Hoàn thành chỉ tiêu với 4 không gian, tuyến phố đi bộ, gồm: khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Bitexco; không gian đi bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây; không gian đi bộ - văn hóa khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa, đường dạo quanh hồ Thiền Quang; khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã.
Hiện, Ban Chỉ đạo đang tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành: khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ hồ Ngọc Khánh; tiếp tục triển khai đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Đặc biệt, với chỉ tiêu triển khai đầu tư xây dựng 1 tháp trung tâm tài chính, đến nay, tháp trung tâm tài chính nằm trong khu đô thị thông minh phía bắc sông Hồng được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 6630/QĐ-UBND; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỉ USD.
Về chỉ tiêu triển khai đầu tư xây dựng 2 - 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, ông Tuấn cho biết đã cơ bản hoàn thành khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ (Q.Nam Từ Liêm); phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và đang điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phố thông minh; đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án khu đô thị Đông Anh.
Theo báo Dân trí, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho rằng tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu còn chậm như yêu cầu hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới; tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực khu phố cũ.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Dân trí
Nói thêm về việc này, ngành điện lực thành phố cho biết gặp khó khăn về nguồn vốn để hạ ngầm 220 tuyến phố với 1.800 tỷ đồng. Đơn vị đề xuất được vay một số nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của TP để thực hiện hạ ngầm theo kế hoạch.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Phi Thường, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến hết năm 2023 của thành phố đạt 19,5% tương đương 510 triệu lượt khách. Trong khi đó, Chương trình 03 của Thành ủy đặt chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%.
Về đường sắt đô thị, đến nay, thành phố mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông và đang thi công xây dựng 2 tuyến khác với chiều dài 37km/417,8km tổng chiều dài toàn hệ thống theo quy hoạch. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhưng ông Thường thừa nhận tiến độ còn chậm.
Cùng với đó, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng phương tiện công cộng truyền thống như xe buýt không tiếp cận được thêm nhiều khách hàng do thời gian đợi xe và di chuyển bị kéo dài, đặc biệt trong khung giờ cao điểm, biểu đồ vận hành xe chưa đảm bảo.
Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của thành phố cũng đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Việc này khiến phục vụ vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân.
Ông Thường kỳ vọng năm 2024 có thêm "mảnh ghép" quan trọng cho giao thông Hà Nội là xe đạp công cộng. "Sắp tới, ngoài phục vụ xe đạp công cộng tại các ga đường sắt và quận trung tâm, Sở sẽ triển khai 2 đường dành riêng cho xe đạp công cộng là tuyến dọc đường Láng và đường xung quanh công viên Hòa Bình", lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Phương Uyên (T/h)