Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (tính từ ngày 4 đến 11/8), trên địa bàn TP ghi nhận thêm 762 ca mắc sốt xuất huyết và 59 ổ dịch.
Số ca mắc sốt xuất huyết và ổ dịch mới trong tuần qua được ghi nhận tại 29 quận, huyện, thị xã (tăng 121 ca so với tuần trước đó). Trong số các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhất là Thanh Trì với 160 ca, tiếp đến là Thạch Thất (54 ca), Hoàng Mai (51 ca), Bắc Từ Liêm (47 ca), Hà Đông (45 ca).
Ngoài ra, các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân là xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (102 ca); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (29 ca); xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (22 ca); phường Định Công, quận Hoàng Mai (19 ca), xã Văn Tự, huyện Thường Tín (15 ca), thông tin từ báo Công an nhân dân.
Hà Nội phát hiện thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ảnh minh họa
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 3.512 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong. Tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết .
Báo Giao Thông dẫn lời Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, chu kỳ trước đây là 4-5 năm lặp lại dịch sốt xuất huyết nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã bị phá vỡ.
"Thời tiết năm nay nắng mưa rất thất thường, có nhiệt độ trung bình cao làm môi trường sống của muỗi gây sốt xuất huyết phát triển nên khả năng cao bùng phát dịch tại miền Bắc là điều dễ xảy ra", BS. Cấp nói.
Hầu hết các trường hợp bị sốt xuất huyết có thể được điều trị tại nhà và khỏi bệnh sau 2 đến 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể chuyển sang thể nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết nặng thường là do biến chứng giảm tiểu cầu, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng…
“Vì vậy, người dân không nên chủ quan với căn bệnh này, nhất là trẻ em, người có bệnh lý nền, người già, phụ nữ mang thai…”, BS Cấp thông tin.
Ảnh minh họa
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa côn trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương khuyến cáo, khi có nhu cầu diệt muỗi, người dân có thể liên hệ đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương. Không nên mua và tự sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc.
Trước bối cảnh bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng ở Hà Nội, Bộ Y tế yêu cầu Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống sốt xuất huyết. Đồng thời, Viện phối hợp thành phố đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 57.295 ca sốt xuất huyết, trong đó 13 trường hợp tử vong tại 8 tỉnh, thành phố. Số mắc và tử vong giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng có xu hướng tăng trong các tuần gần đây.
Trong tháng 8 và tháng 9, Hà Nội triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi nguy cơ cao, có ổ dịch. Người dân được khuyến cáo thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển.
Thùy Dung (T/h)