Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội: Mục sở thị cảnh 700 học sinh chui lò luyện thi mong “cá chép hóa rồng” ở huyện Đông Anh

(DS&PL) -

“Sức nóng” của hơn 700 học sinh chen chúc trong căn phòng, không khí học tập khẩn trương “người học, kẻ ngủ” trong lớp dạy thêm môn Toán ở ngoại thành Hà Nội với mức học phí không hề rẻ khiến người trải nghiệm bất ngờ.

Còn khoảng 3 tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT 2023 nhưng đến thời điểm hiện tại các lò luyện thi ở cả nội và ngoại thành Hà Nội đã rất sôi động. Trong vai học sinh có nhu cầu ôn luyện thi THPT, PV Đời sống & Pháp luật đăng ký vào một vài trung tâm có tiếng tại Hà Nội để trải nghiệm một buổi học tại những lò luyện thi này.

Hơn 700 học sinh chui “lò” luyện thi

Trung Tâm Bồi Dưỡng Văn Hóa Chu Văn An - Luyện Thi Tiến Bạc (Trung tâm Tiến Bạc) là lò luyện thi mới nổi khoảng 5-7 năm gần đây tại huyện Đông Anh (Hà Nội). PV đã chọn ca học của thầy Lê Đình Tiến, hiện đang là giáo viên tại trường THPT Cổ Loa – nhân vật nổi tiếng gắn với tên trung tâm này - thời gian từ 18h đến 20h thứ Bảy (4/3), với giá tiền 80 nghìn đồng/người/buổi.

Buổi học thêm Toán tại Trung tâm Tiến Bạc vào tối thứ bảy ngày 4/3/2023.

 

 

Theo tìm hiểu, thầy Lê Đình Tiến là người sáng lập Trung Tâm Bồi Dưỡng Văn Hóa Chu Văn An - Luyện Thi Tiến Bạc. Đây là nơi bồi dưỡng kiến thức văn hoá cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 12, với đầy đủ tất cả các môn. Ngoài môn toán, trung tâm này còn luyện thi cho học sinh lớp 9 lên 10, lớp 11... với nhiều lịch học và nhiều giáo viên có tiếng trên địa bàn huyện. Ví dụ như môn Tiếng Anh lớp 10 và lớp 11 của cô Hồng (Ms.Rose); Vật lý lớp 10 và 11 thầy Nghiêm; Sinh học lớp 11 cô Nguyễn Hà...

Ngay từ 17h45 phút, rất nhiều học sinh (cùng ca học toán với PV) đã chen chúc trong con ngõ rộng hơn 5m để tới lớp. Các học sinh cho biết, tới sớm để còn tìm chỗ gửi xe, tranh thủ vào lớp, thậm chí có nhiều người còn đến sớm để “chọn chỗ ngồi đẹp”. Trong lớp, một số học sinh sau khi chọn được chỗ ngồi đã gục xuống bàn, tranh thủ chợp mắt trước giờ học.

Một số học sinh sau khi chọn được chỗ ngồi đã gục xuống bàn, tranh thủ chợp mắt trước giờ học.

 

 

Bàn ghế trong trung tâm được kê sát đến nỗi khi các học sinh vào ngồi thì rất khó để nhúc nhích. Nguyên nhân là do bàn và ghế tại trung tâm này có kích thước chiều ngang khoảng 40cm, dài 1,2 m và được kê sát nhau, khiến không gian chỗ ngồi chật chội.

Dù chật như vậy nhưng mỗi dãy trung bình có 20 người, thậm chí có dãy lên tới 23 học sinh. Dù chật vật là thế! nhưng với các học sinh tham gia “lò luyện thi” thì đây là chuyện bình thường.

“Mới đầu mình đi học cũng chưa quen, đi học nhiều thì mình lại thấy bình thường, tập thích nghi thôi”, một học sinh theo học gần 1 năm ở trung tâm chia sẻ.

Quan sát lớp học, dù là ca học rơi vào cuối tuần nhưng số lượng học sinh theo học tại trung tâm này dao động từ 700 - 800 em, trong khi đó diện tích phòng chỉ khoảng hơn 600m2.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định: “Phòng học đảm bảo diện tích trung bình từ 1,10m2/học sinh trở lên”. Thế nhưng với khoảng cách học sinh ngồi, cũng như kích thước bàn ghế tại trung tâm thì chưa đáp ứng đủ điều kiện trên. Tuy nhiên Thông tư số 17 trên đã hết hiệu lực từ năm 2016. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT chưa có văn bảo nào thay thế Thông tư số 17. Như vậy, quy định về diện tích trung bình, bàn ghế, chỗ ngồi của học sinh…. của các trung tâm học thêm, dạy thêm đang bị bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, diện tích trung tâm tuy rộng, có trang bị quạt, đèn, điều hòa... để phục vụ các lớp học. Tuy nhiên PV đi hết một vòng trung tâm, tham quan các lớp học bên cạnh, nhận thấy trung tâm có bình cứu hỏa, nhưng một số bình đã quá hạn kiểm tra.

Một số bình cứu hỏa đã hết hạn kiểm tra.

 

 

Thầy quát “câm mồm”, học sinh vừa nghe giảng vừa đóng tiền

Bắt đầu ca học từ lúc 18h nhưng không phải bằng việc thầy giáo giảng bài mà là lực lượng trợ giảng của trung tâm đi quanh lớp đề cho các học sinh. Sau khoảng 15-20 phút học sinh tự giải đề thì nhân vật chính của lớp học – Thầy Tiến - mới xuất hiện.

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian tự làm đề này, không ít học sinh trong lớp với ánh mắt mệt mỏi, gục xuống bàn ngủ. Chỉ khi thầy Tiến xuất hiện trên bục giảng, các học sinh mới bắt đầu tỉnh táo để nghe giảng và chữa bài.

Khi vừa hoàn thành giải một bài toán trong tờ đề, lớp trở nên ồn ào, người thì thắc mắc đề bài thầy vừa chữa, người thì hỏi bài bạn bên cạnh, người thì tranh thủ nói chuyện. Thầy Tiến đứng trên bục giảng với ánh mắt lạnh lùng và buông ra câu quát đầy sức nặng: "Câm mồm!".

Câu nói này ngay lập tức khiến không khí trong lớp trở nên yên tĩnh để tiếp tục giải đề.

Thêm vào đó, ngay trong lớp luyện thi, trong khi thầy ở trên thì giảng hăng say thì trò vừa chăm chú chép bài tiếp thu kiến thức, vừa chờ tới lượt để cán bộ trung tâm thu vé và tiền học phí. Việc giảng đề, chữa đề được diễn ra liên tục. Đến đúng 20h thì các học sinh kết thúc ca học.

Cảnh vừa học vừa thu tiền giữa lớp học của trung tâm Tiến bạc

 

 

Ồn ào, ảnh hưởng người dân xung quanh

Để hiểu rõ hơn về hoạt động dạy học của trung tâm, ngay sau khi tan học PV đã hỏi những người dân xung quanh. Người phụ nữ bán thịt xiên cạnh trung tâm này cho biết: "Đến giờ tan học ngõ lại chật kín các học sinh và phụ huynh. Có nhiều học sinh phóng nhanh đi qua đoạn răng bừa ngã nhiều lắm, kì nào cũng có người ngã và đổ xe ở đấy".

“Nói chung cũng bất tiện, khi nào nhà có việc hoặc cần di chuyển đi đâu gấp thì phải tránh giờ tan học của học sinh. Ở đây chỉ có nhà nào nhận trông gửi xe và bán hàng ăn cho học sinh là vui vẻ thôi”, một hàng xóm cạnh trung tâm chia sẻ.

Khung cảnh lúc nào cũng nườm nườp người vào ra bởi ca này chưa tan, học sinh ca sau đã đến. Nhiều bậc phụ huynh lo cho con em, chực chờ sẵn ở ngoài đường để tiện đưa đón.

“Tôi đến đây được 15 phút rồi! do số lượng học sinh đến học và di chuyển bằng xe cộ rất đông, đường lại khá hẹp nên gia đình tôi quyết định hàng ngày đưa đón con đi học”, một phụ huynh có con học tại trường THPT Cổ Loa chia sẻ.

Bình luận về việc thiếu quy định về tổ chức lớp dạy thêm, học thêm ở các trung tâm bên ngoài nhà trường, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Một số điều (6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về dạy thêm, học thêm, không còn hiệu lực lại chưa có văn bản thay thế nên đương nhiên giám đốc, chủ cơ sở các trung tâm luyện thi sẽ không còn hành lang pháp lý để đối chiếu thực hiện. Thực tế này vô hình trung tới nhiều lỗ hổng trong khâu quản lý các trung tâm tổ chức dạy thêm, học thêm.

Luật sư Vinh cũng cho rằng, để "bịt" được những lỗ hổng này, cơ quan chức năng cần bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách về giáo dục để giải quyết triệt để tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.


Trả lời kiến nghị của cử tri về việc sửa đổi thay thế thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về quy định dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm đảm bảo phù hợp cho việc quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Nhóm PV

Tin nổi bật