Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội : Hơn 200 vụ cháy mỗi năm, thiệt hại tới 50 tỷ đồng

(DS&PL) -

Theo thống kê, mỗi năm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra khoảng 200 vụ cháy lớn nhỏ, 500 sự cố chập điện, gây thiệt hại cả về người và tài sản (ước tính 50 tỷ đồng)

Theo thống kê, mỗi năm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra khoảng 200 vụ cháy lớn nhỏ, 500 sự cố chập điện, gây thiệt hại cả về người và tài sản (ước tính 50 tỷ đồng mỗi năm). Và mới đây nhất (ngày 15/4) là vụ cháy tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) làm thiệt hại khoảng chục tỷ đồng…

Thực tế đó cho thấy, công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Thủ đô đang trở thành một thách thức dù Hà Nội là một trong số ít tỉnh, thành phố có Sở chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy.

Trong hàng trăm vụ cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua có thể kể đến các vụ cháy lớn như: cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm; vụ cháy tại khu nhà tập thể C8 Hàm Tử Quan, đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm làm 1 người chết, thiêu rụi hoàn toàn khu nhà gỗ 2 tầng, với 50 hộ dân sinh sống; vụ cháy quán bar zone9 ở khu 9A Trần Thánh Tông làm 6 người chết, nhiều người bị thương.

Và mới đây nhất (ngày 15/4) là vụ cháy tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) làm thiệt hại khoảng chục tỷ đồng…

Hiện trường vụ cháy tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy (quận Hoàng Mai) ngày 15/4.

Ông Trần Văn Thuật, người dân sống gần khu công nghiệp Vĩnh Tuy, chứng kiến vụ cháy cho biết: “Tôi đang ở trong nhà thì thấy khói nghi ngút ở ngoài cửa sổ. Chạy ra thấy bầu trời tối đen vì khói. Mọi người rất hoảng loạn, lo lắng vì không biết sẽ như thế nào. Chạy ra ngoài đường thì xung quanh khói dày đặc, mà ở trong nhà cũng không yên tâm. Vì nhà dân chúng tôi cũng rất gần khu công nghiệp xảy ra cháy”.

Nguyên nhân của các vụ cháy được xác định là do sự chủ quan trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa ý thức hết trách nhiệm trong việc đối phó với hiểm họa cháy nổ.

Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Thời gian qua, dù đã rất nỗ lực đầu tư cho nhiệm vụ quan trọng này, nhưng Hà Nội hiện còn thiếu khoảng 5.000 trụ nước chữa cháy; nhiều tuyến phố chính tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, khu đông dân cư không được đầu tư lắp đặt trụ nước chữa cháy.

Trong khi đó, lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp còn “mỏng”, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là khi xảy ra các vụ cháy lớn, tại chung cư cao tầng. Thực tế, hiện nay, xe chuyên dụng cho công tác phòng cháy chữa cháy cũng chỉ tiếp cận đến tầng 15, 16.

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Phó trưởng Ban pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nói: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác phòng cháy chữa cháy còn hạn chế là do ý thức phòng chống cháy nổ của các chủ sản xuất kinh doanh và một bộ phận người dân chưa tốt. Tình trạng các chủ cơ sở đối phó với các lực lượng chức năng như thanh tra, kiểm vẫn, xử ký vẫn còn phổ biến”.

Để hạn chế các vụ cháy xảy ra trên địa bàn, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, sẽ tập trung công tác phòng ngừa, kiểm tra theo chuyên đề có chiều sâu ở những nơi tập trung đông người, nhà cao tầng, khu công nghiệp, nhà xưởng, kho tàng, bến bãi…

Qua đó, phát hiện kịp thời các cơ sở thiếu sót về phòng cháy chữa cháy, những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến cháy nổ như: việc bố trí mặt bằng, hạng mục công trình liên quan đến khoảng cách; các điều kiện an toàn đối với hệ thống điện, sử dụng nguồn nhiệt, chất cháy, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy.

Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội nhấn mạnh: “Công tác phòng cháy chữa cháy không chỉ có lực lượng chuyên môn làm, mà công tác phòng cháy chữa cháy là của mọi người, mọi cấp đều phải tích cực tham gia và làm tốt công tác phòng ngừa. Và để phòng ngừa tốt, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền cùng chúng tôi nâng cao ý thức người dân về phòng cháy chữa cháy…”.

Mùa nắng nóng đang đến gần, hơn bao giờ hết, mỗi người dân, cơ quan, đơn vị cần nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy chữa cháy. Đó có thể là những việc làm rất nhỏ như tắt hết nguồn điện khi ra khỏi phòng, tránh sử dụng nguồn lửa gần các vật dễ cháy… Bởi, chỉ một sự lơ là, bất cẩn, có thể dẫn đến thảm họa.

Tin nổi bật