Sở GD-ĐT Hà Nội đã chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học tới, tăng từ 2 lên 4 môn thi dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ giáo viên và phụ huynh học sinh.
Thí sinh Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 - Ảnh: Nhân dân. |
Phương án 4 môn thi tuyển sinh lớp 10
Các thí sinh thi tuyển vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ phải dự thi đủ bốn bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư; trong đó, bài thi thứ tư đuọc lựa chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Môn thi thứ tư dự kiến sẽ được công bố vào tháng 3/2019.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho biết, đây là phương án được Sở GD-ĐT “chốt lại” để trình UBND TP phê duyệt sau khi lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các thầy cô giáo, các em học sinh, cha mẹ học sinh, các phương tiện truyền thông và nhân dân Thủ đô.
Trước đó, bắt đầu từ tháng 4, khi Hà Nội bắt đầu xin ý kiến về phương án thi mới, phụ huynh, học sinh dự thi lớp 10 năm học 2019-2020 đã đôn đáo đi tìm lớp học thêm.
Nghĩ về áp lực thi cử sắp tới của con, bà Đỗ Thị Hạnh (có con học lớp 9 tại Trường THCS Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Những năm trước chỉ thi 2 môn Ngữ văn và Toán, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội đã được ví là căng thẳng hơn thi đại học. Giờ tăng lên thành 4 môn, biết có mặt tích cực là giúp học sinh học đều các môn, giảm tình trạng học lệch, học tủ, nhưng chắc chắn sẽ tăng thêm áp lực”. Đây cũng là suy nghĩ của không ít phụ huynh cho rằng thi thêm môn sẽ tăng áp lực cho con trẻ, trong khi điều chúng ta hướng đến là làm cho việc thi cử ngày càng nhẹ nhàng hơn.
Bàn về quyết định này, bà Phạm Thái Lê (giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Marie Curie, Hà Nội) nhận định việc nâng môn thi từ 2 lên 4 môn là không nên vì đây là kỳ thi tuyển sinh, không phải thi tốt nghiệp để cần thiết phải kiểm tra nhiều môn thi.
Theo bà Lê, việc tăng số môn thi sẽ gây thêm áp lực cho học sinh, hơn nữa, đến tháng 3, Sở GDĐT Hà Nội mới công bố môn thi thứ 4 theo kiểu “ú tìm” càng khiến tâm lý học sinh thêm nặng nề.
Mặt khác, nữ giáo viên này cho rằng, việc thi nhiều môn cũng không là giải pháp tốt để tránh học tủ học lệch.
“Việc học toàn diện hay nói cách khác là đào tạo một con người toàn diện là khái niệm, là quy chuẩn cần xem lại. Học tất cả các môn với cơ cấu như hiện nay thì không phải là toàn diện.
Chương trình hiện nay chưa có các môn kỹ năng, các môn nghệ thuật, giáo dục thể chất bị xem nhẹ, các môn khoa học quá hàn lâm. Mặt khác, không thể đòi hỏi người học hứng thú và học tốt tất cả các môn nên cần có môn tự chọn. Muốn toàn diện thì phải thay đổi từ cơ cấu môn học giờ học chứ không phải thay đổi thi cử” - cô giáo Lê nói.
Thi thêm môn là không cần thiết - đó cũng là quan điểm của thầy giáo Nguyễn Phi Hùng (giáo viên Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội). Trong thời gian Sở GDĐT Hà Nội lấy ý kiến về phương án thi, ông Hùng đã ủng hộ phương án giữ ổn định kỳ thi vào lớp 10, chỉ thi hai môn Văn - Toán, kết hợp xét tuyển.
Nói về lý do đưa ra lựa chọn này, ông Hùng phân tích: “Quan điểm của Sở GDĐT đưa ra là thi nhiều môn để đảm bảo việc học toàn diện, đảm bảo yêu cầu giáo dục toàn diện ở cấp học dưới. Tôi thấy điều đó cũng được sở yêu cầu thông qua phương án tuyển sinh cũ rồi. Đó là học sinh được cộng điểm quy đổi, điểm rèn luyện 4 năm.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo Nhân Dân ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết chương trình giáo dục THCS hiện nay đòi hỏi học sinh phải học đủ các môn học Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ và một số môn khác như Công nghệ, Giáo dục thể chất (Thể dục), Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng phương án tuyển sinh vào lớp 10 mới sẽ tác động tích cực để học sinh học tất cả các môn, đặc biệt năng lực Ngoại ngữ của học sinh phổ thông Hà Nội được nâng cao, đáp ứng đề án nâng cao năng lực Ngoại ngữ ở trường phổ thông của Bộ GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế.
Ông Phạm Quốc Toản cho biết thêm, để giảm áp lực ôn thi cho các em học sinh, đối với môn Ngoại ngữ và môn thứ tư, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quy định rất rõ những yêu cầu về kiến thức kỹ năng, về hình thức đề thi và thời gian tổ chức thi. Đây là những yêu cầu chỉ tương đương như bài kiểm tra 45 phút hoặc thi học kỳ trên lớp của các em học sinh, đó là những nội dung học sinh được kiểm tra diễn ra hàng ngày, rất quen thuộc, không hề dàn trải, không áp lực. Thời gian thi cũng được tổ chức sớm, ngay từ ngày 2/6 để giúp cho các em học sinh sử dụng được ngay những kiến thức, kỹ năng vừa học.
"Học sinh chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản trên lớp là có thể làm bài tốt vì đề thi bám theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD-ĐT"- ông Toản nhấn mạnh.
Ông Phạm Quốc Toản khẳng định kế hoạch dạy và học của các trường và của học sinh chưa có gì thay đổi trong năm học 2019-2020, vẫn tuân thủ theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD-ĐT được ban hành từ năm 2008.
Minh Minh (T/h)