(ĐSPL) - Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là hành động bất ngờ, khiêu khích và bất hợp pháp.
Đó là nhận định của Giáo sư Carl Thayer - một chuyên gia về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng Australia - trong một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 13/5.
|
GS Carl Thayer: Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động bất ngờ, khiêu khích và phi pháp. |
Ngày 2/5, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan khổng lồ Haiyang Shiyou-981 trong lô 143 thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Theo Giáo sư Carl Thayer, vụ việc này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đã đặt một giàn khoan dầu trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước khác mà không hề xin phép. Đây là một động thái bất ngờ vì quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đang ở quỹ đạo đi lên kể từ chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 10/2013. Vào thời điểm đó, cả hai bên cho biết đã đạt được thỏa thuận tiếp tục thảo luận về các vấn đề hàng hải. Hành động hạ đặt giàn khoan HD-981 quả là bất ngờ vì Việt Nam không hề có bất kỳ hành động khiêu khích nào để biện minh cho hành động chưa từng có này của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Haiyang Shiyou-981 là hành động khiêu khích vì đi theo giàn khoan dầu khổng lồ này là một đội tàu gồm 80 chiếc, trong đó có 7 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc (PLAN). Khi Việt Nam cử tàu Cảnh sát biển đến để bảo vệ quyền chủ quyền của mình, Trung Quốc phản ứng bằng cách ra lệnh cho các tàu sử dụng vòi rồng và cố ý đâm tàu Việt Nam. Những hành động này không chỉ rất nguy hiểm, mà còn gây ra thương tích cho nhiều thuyền viên Việt Nam.
Hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp, theo luật quốc tế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh biện minh cho những hành động nói trên bằng cách trơ trẽn tuyên bố rằng hoạt động của giàn khoan Haiyang Shiyou-981 ở trong “lãnh hải” Trung Quốc " lãnh hải " và không hề liên quan đến Việt Nam.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh chỉ nói chung chung mà không đưa ra được một lập luận pháp lý chi tiết hỗ trợ của các hành động của Trung Quốc. Tuyên bố giàn khoan HD-981 nằm trong "lãnh hải" của Trung Quốc là thiếu mọi cơ sở pháp lý vì nếu lấy vị trí đặt giàn khoan làm tâm điểm, không hề có hòn đảo nào mà Trung Quốc chiếm giữ nằm trong bán kính 12 hải lý.
Phía Trung Quốc muốn lấy quần đảo Hoàng Sa (chiếm của Việt Nam năm 1974) – chứ không phải đảo Hải Nam - làm cơ sở cho yêu sách “lãnh hải” của mình.
Năm 1996, Trung Quốc đã công bố cái gọi là đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn (mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1974). Các chuyên gia cho rằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể được dựa trên việc vị trí hạ đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn khoảng 18 hải lý và tự cho hòn đảo này có một “thềm lục địa” và và một vùng đặc quyền kinh tế.
Các chuyên gia chỉ ra rằng cái gọi là đường cơ sở của Trung Quốc năm 1996 là trái với Điều 8 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (và đảo Tri Tôn không được phép có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế) và không thể được sử dụng để yêu sách chủ quyền đối với lô 143 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer kết luận: Rõ ràng, việc giàn khoan dầu Haiyang Shiyou-981 và 80 tàu hộ tống Trung Quốc hoạt động trong lô 143 của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế.