Dù đã lên kế hoạch từ trước, nhưng ngay sau khi có tin Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á, Go-Jek đã nhanh chóng tiến hành các công đoạn để chiếm lĩnh thị phần khu vực này.
Sau thương vụ sáp nhập giữa Uber Đông Nam Á và Grab, một công ty ứng dụng gọi xe khác của Indonesia là Go-Jek vừa tuyên bố rằng họ đã lên kế hoạch mở rộng ra thị trường Đông Nam Á gồm các quốc gia Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam ngay trong năm nay. Theo Giám đốc điều hành Go-Jek Nadiem Makarim, thỏa thuận sáp nhập giữa Uber và Grab là “cơ hội tuyệt vời” vì “ít đối thủ hơn đồng nghĩa với việc tiếp tục thống lĩnh thị trường sẽ thuận lợi hơn”.
Go - Jek hứa hẹn sẽ khiến cuộc đua thị phần dịch vụ gọi xe ngày càng khốc liệt. |
Trước mắt, Go-Jek sẽ ra mắt dịch vụ Go-Car tại Singapore – mô hình giống với GrabCar và UberX giúp khách hàng có thể thanh toán linh hoạt bằng tiền mặt hoặc thẻ.
Tại Indonesia, Go-Jek hiện dẫn đầu thị trường đi chung xe với khoảng 900.000 tài xế đối tác. Được thành lập năm 2011, ban đầu, Go-Jek cung cấp các chuyến đi trên moto taxi, được biết đến với tên gọi “ojek” ở Indonesia. Đây cũng chính là start-up tỷ USD đầu tiên của Indonesia.
Ngoài ra, ứng dụng Go-jek cung cấp rất nhiều dịch vụ như: xe ôm 2 bánh và 4 bánh, dịch vụ mua sắm, dịch vụ dọn nhà, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ sửa xe…
Năm 2014, khi thế giới bắt đầu chú ý đến sự phát triển của các ứng dụng gọi xe, Makarim huy động thành công vốn từ quỹ đầu tư NSI Ventures của Singapore. Với nguồn dữ liệu có được sau 4 năm, tháng 1/2015, Go-Jek chính thức thành lập dưới dạng một công ty cung cấp ứng dụng công nghệ, được điều hành bởi Makarim và Moran. Hai người còn lại đã bán lại cổ phần của công ty.
Thời gian sau đó là giai đoạn phát triển ‘thần kỳ” của Go-Jek. Trong vòng một năm, ứng dụng của công ty được tải về 7,5 triệu lần, số lượng lái xe trong mạng lưới tăng từ 500 lên 200.000. Đến giữa năm 2017, “Go Jek đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng” – theo chia sẻ của CEO Makarim.
Xét về cả tiềm lực tài chính và tên tuổi người chống lưng, cuộc đối đầu của Grab và Go-Jek có thể được xem là ‘kẻ tám lạng, người nửa cân”.Theo một số nguồn tin, với việc huy động thành công 1,5 tỷ USD ở vòng gọi vốn mới nhất, Go-Jek hiện được định giá khoảng 5 tỷ USD. Nhỉnh hơn đối thủ một chút, giá trị của Grab vào khoảng 6 tỷ USD.
Trong khi Grab được sự hậu thuẫn lớn từ Didi Chuxing (Trung Quốc) và Tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật Bản) thì danh sách những nhà đầu tư vào Go-Jek xuất hiện những gã khổng lồ công nghệ như Tencent hay Google.
Không chỉ đầu tư cho dịch vụ xe chung, mà hiện nay Go-Jek đã triển khai thành một hệ sinh thái với nhiều dịch vụ đa dạng khác nhau. Hiện nay, có 10 dịch vụ Go-Jek bao gồm: Go-Ride và Go-Car tương tự như Grab-Uber tại Việt Nam, Go-Food (giao đồ ăn nhanh), Go-Send (dịch vụ giao hàng), Go-Mark (dịch vụ mua sắm tạp hóa), Go-Box (dịch vụ đặt xe bán tải, xe tải…), Go-Tix (dịch vụ mua vé cho các dịch vụ giải trí), Go-Med (khách hàng có thể mua thuốc hoặc tư vấn, gọi bác sĩ đến khám tại nhà), GO-Life (ứng dụng riêng biệt, cung cấp các dịch vụ như massage, vệ sinh, ô tô và làm đẹp bất cứ khi nào khách hàng cần), Go-Pay (dịch vụ thanh toán).
Nếu tất cả các dịch vụ nói trên của Go-Jek đều được triển khai tại Việt Nam, sẽ không chỉ cạnh tranh với taxi hay xe ôm truyền thống mà cả với các lĩnh vực dịch vụ khác như cho thuê xe, thanh toán điện tử,…Theo một số nguồn tin, hãng này đã tiến hành tuyển dụng tài xế tại Việt Nam với nhiều ưu đãi dành cho tài xế Uber. Với những thế mạnh trên, Go-Jek sẽ có thể đánh bại Grab cùng đối thủ khác trong các ngành nghề hoạt động.
Minh Thư (T/h)