Trong một báo cáo nghiên cứu được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phát hành giữa năm 2020, có ít nhất 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới đã lỡ mất cơ hội tham gia giáo dục mầm non trong giai đoạn phát triển quan trọng đối với các em do các cơ sở chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, riêng trong đợt bùng phát dịch thứ 4 (từ ngày 24/7/2021) khiến rất nhiều cơ sở mầm non tư thục gặp khó khăn do phải tạm đóng cửa suốt thời gian dài, thậm chí là dừng hẳn hoạt động hay sang nhượng trường.
“Dễ nhìn thấy nhất chính là gánh nặng từ chi phi thuê mặt bằng. Ngoài những cơ sở mầm non có nhà đất riêng, tất cả cơ cở khác nếu phải đi thuê mặt bằng có lẽ đều phải đối mặt với vấn đề này”, cô Nguyễn Thị Ánh, Chủ nhóm lớp mầm non Gấu Balu (quận Tây Hồ, Hà Nội), chia sẻ với phóng viên Đời sống & Pháp Luật.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ nhóm lớp mầm non Đa Trí Tuệ AMI (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết, chi phí thuê mặt bằng là khó khăn thực tế mà đối với mỗi cơ sở mầm non kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta đến nay.
“Tuy nhiên, trong mùa dịch thứ 4 lần này, thật may khi nhóm lớp của tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và sẻ chia từ chủ mặt bằng, thậm chí có những tháng được miễn 100% tiền nhà”, cô Vân chia sẻ.
Việc phải đóng cửa kéo dài vì dịch bệnh khiến các cơ sở mầm non tử thục đối mặt với gánh nặng về tài chính. Ảnh: AMI
Việc phải tạm dừng hoạt động kéo dài nhiều tháng qua, không chỉ khiến các trường, các cơ sở mầm non tư thục đứng trước nhiều khó khăn mà ngay cả bản thân giáo viên tại các cơ sở này cũng phải vất vả mưu sinh, trang trải cuộc sống.
“Không chỉ ở nhóm lớp của chúng tôi mà tại nhiều cơ sơ mầm non tư thục khác trên cả nước, rất nhiều cô giáo mầm non đang đối mặt với hoàn cảnh éo le. Có cô giáo chia sẻ với tôi rằng đã phải cắt giảm khẩu phần ăn của cả gia đình từ 3 xuống 2 bữa 1 ngày. Tôi còn được biết có cô giáo trong miền nam cả nhà 5 người đều dương tính SARS-CoV-2. Thật sự rất khó khăn, rất đáng thương”, cô Vân ngậm ngùi chia sẻ.
Vì thấu hiểu được những khó khăn đó, nên dù nguồn thu bị đứt gãy nhưng trường cô vẫn cố gắng hết sức để có thể hỗ trợ đội ngũ giáo viên không bị rơi vào vòng xoáy của dịch bệnh, cũng để tránh xảy ra tình trạng “chảy máu nhân lực” sau khi dịch bệnh qua đi.
“Tôi chấp nhận lỗ chồng lỗ để hỗ trợ tốt nhất cho các giáo viên chứ không thể mất đi đội ngũ nhân sự đã dày công đào tạo, những giáo viên ưu tú và giàu kinh nghiệm. Bởi nhìn xa hơn, nếu phải tuyển dụng và đạo tạo lại đội ngũ nhân sự mới, sẽ rất khó đảm bảo chất lượng khi trường mở cửa trở lại, thậm chí là có thế khiến các con bị lạ, mất đi cảm giác thân thuộc khi quay trở lại trường”, cô Vân cho hay.
Tuy nhiên, với sức của một người thì sớm muộn cũng sẽ đổ gục trước tình hình khó khăn đã được dự báo là còn kéo dài. Do đó, cô Vân cũng những người bạn đã đứng ra sáng lập chiến dịch “1000+1”, nhằm kêu gọi các nguồn ủng hộ từ xã hội để hỗ trợ cho các giáo viên mầm non khó khăn trên khắp cả nước.
Bên cạnh đó, nhóm của cô Vân còn tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến miễn phí với sự tham gia của nhiều giảng viên có uy tín. Hoạt động này nhằm nâng cao kiến thức, chuyên môn, đồng thời giúp giữ lữa và phát triển lòng yêu nghề cho giáo viên mầm non vì rất nhiều giáo viên đã bỏ nghề, mất niềm tin vào nghề vì đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, trong đợt dịch lần này, cô Vân cùng nhiều bạn bè lập thêm một nhóm có tên “Giáo viên vượt dịch” trên mạng xã hội, để cộng đồng giáo viên có thể mua bán, trao đổi các mặt hàng nhu yêu phẩm với nhau, cũng hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch.
Trẻ em lứa tuổi mầm non đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi do đại dịch COVID-19 Ảnh: AMI
Không chỉ các chủ trường, đội ngũ giáo viên, trông trẻ, mà ngay chính các em học sinh lứa tuổi mầm non cũng phải chịu rất nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phải nghỉ học trong thời gian giãn cách dịch bệnh, công nghệ thông tin là phương pháp duy nhất để giúp các cô giáo có thể tương tác với học sinh.
“Trường hiện chỉ có thể cố gắng tương tác với các bé và phụ huynh qua các nền tảng mạng xã hội, bằng cách đẳng tải lại những hoạt động, khoảnh khắc ý nghĩa lên trang chủ của trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các buổi gặp mặt trực tuyến theo các lớp, để cô và trò vẫn có thể tương tác với nhau, cũng như các cô có thể giúp đỡ phụ huynh trong việc chăm sóc con trẻ tại nhà”, cô Ánh cho hay.
Tuy nhiên, theo cô Ánh, phương thức này chưa thể tối ưu bởi nhiều gia đình cả bố mẹ đều đi làm và gửi con trẻ cho ông bà. Việc con trẻ và ông bà đều không thành thạo công nghệ thông tin khiến nhiều bé rất khó để thường xuyên tương tác trực tuyến với giáo viên và các bạn cùng lớp.
Cũng theo phương châm "Dừng đến trường nhưng không dừng kết nối", nhóm lớp của cô Vân vẫn luôn cố gắng duy trì nhịp kết nối với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cô cho rằng các buổi gặp gỡ trực tuyến chỉ hiệu quả với các bé trên 3 tuổi.
“Các bé trên 3 tuổi luôn rất háo hức với những buổi gặp gỡ trực tuyến do trường tổ chức. Các bé không ngừng bày tỏ nỗi nhớ cô, nhờ bạn và luôn mong ngóng đến ngày được quay lại trường. Chính các bé là nguồn động lực giúp giáo viên chúng tôi giữ được tình yêu với nghề, thôi thúc chúng tôi không ngừng cải tiến để mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho các bé”.
Thế nhưng, mọi thứ lại khó khăn hơn với những bé dưới 3 tuổi, bởi độ tuổi này rất khó để yêu cầu các bé tập trung hay ngồi yên một chỗ, thậm chí có những bé nghỉ lâu nên quên luôn cả các cô, cô Vân cho hay.
Theo cô Vân, khoảng thời gian này phía trường rất cần sự đồng hành từ các bậc phụ huynh trong việc giúp con trẻ giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.
“Mỗi bậc phụ huynh lúc này phải là một giáo viên tại nhà của các con. Trường cũng thường xuyên gửi những video bài tập, hoạt động ngoại khóa để giúp phụ huynh có thể triển khai tại nhà cho con em mình.
Bên cạnh đó, trường hiện đang xây dựng lên một trạm thư viện trực tuyến, sưu tầm những bài hát, bài thơ, câu chuyện hay các thí nghiệm khoa học để các bậc phụ huynh có thể tham khảo và dạy con tại nhà, để khoảng thời gian của bé không bị trôi đi một cách vô nghĩa do dịch bệnh”, cô Vân nói.
Việc các trường mầm non không thể mở cửa không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên mà cả phụ huynh của trẻ. Bởi không cho con đến lớp các phụ huynh sẽ phải ở nhà trông con.
Bởi vậy chính quyền địa phương cần phối hợp với ngành giáo dục tìm phương án để cho trẻ có thể trở lại lớp học. Các ngành chức năng có thể kiểm tra cơ sở vật chất, không gian xem trường mầm non đó có đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch COVID 19 hay không. Giáo viên cần phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin và thường xuyên khai báo y tế.
Về phía trường mầm non cũng cần thường xuyên liên lạc với gia đình của trẻ, yêu cầu gia đình trẻ luôn khai báo y tế, có những biện pháp bảo vệ cho trẻ để giảm tối thiệu mọi nguy cơ từ COVID 19.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Hoa Vũ