Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giáo sư người Việt tại ĐH bang Florida hé lộ cách "săn học bổng" Mỹ

(DS&PL) -

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng hiện là Giáo sư người Việt duy nhất tại ĐH bang Florida thành phố Tallahassee, tiểu bang Florida, Mỹ.

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng hiện là Giáo sư người Việt duy nhất tại ĐH bang Florida thành phố Tallahassee, tiểu bang Florida, Mỹ chia sẻ bí kíp “săn học bổng" và cuộc sống tại Mỹ.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng hiện đang giảng dạy tại ĐH bang Florida thành phố Tallahassee, tiểu bang Florida, Mỹ.

PV: Được biết, trường đại học (ĐH) bang Florida thành phố Tallahassee, tiểu bang Florida, Mỹ nằm trong top 200 trường đại học tốt nhất thế giới. Theo quan điểm của anh, kiến thức, cách giảng dạy tại ĐH bang Florida có những ưu điểm vượt trội nào? Và cả những khó khăn mà du học sinh phải đối mặt khi theo học tại ngôi trường danh tiếng này, đặc biệt là du học sinh Việt?

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng: Các lớp ở bậc đại học tại ĐH bang Florida thành phố Tallahassee có sĩ số lớp học tương đối nhỏ nhằm mục đích cho sinh viên có thể tương tác tốt nhất với giảng viên. Theo quan điểm của tôi, kiến thức được giảng dạy cũng được cập nhật thường xuyên để sinh viên có thể ứng dụng và tìm kiếm được việc làm một cách dễ dàng khi đã tốt nghiệp.

Đối với các bạn sinh viên theo học cao học, nhà trường cũng lựa chọn những kiến thức gần gũi đối với cuộc sống. Những giáo sư giảng dạy đều là những nhà nghiên cứu hàng đầu về những lĩnh vực được lựa chọn.

Khó khăn mà du học sinh phải đối mặt, điều đầu tiên có thể kể đến là trường ĐH bang Florida là một trường công lập, không có học bổng cho sinh viên nước ngoài. Do vậy, đa số những du học sinh đến với ngôi trường này chủ yếu theo học ở bậc cao học.

Ở bậc cao học, một trong những cản trở, khó khăn hàng đầu mà sinh viên phải đối mặt đó là về vấn đề ngoại ngữ, việc giao tiếp cũng như cách viết lách hoặc có một số sinh viên đã ngừng một thời gian sau khi học đại học mới tiếp tục theo học cao học nên bị hổng kiến thức. Bậc cao học của ĐH có 2 hướng đó là học thạc sĩ và tiến sĩ. Đối với việc học thạc sĩ, thời gian học là 2 năm, còn đối với học tiến sĩ là 5-6 năm.

Thông thường những du học sinh theo học tại trường đều lựa chọn việc học tiến sĩ bởi họ sẽ không phải trả học phí mà lại có tiền lương. Bên cạnh đó, việc học tiến sĩ tại đây sinh viên sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn bởi công việc chủ yếu là tự nghiên cứu. Mỗi một sinh viên sẽ được cử một giáo sư để cố vấn, hướng dẫn.

PV: Trường ĐH bang Florida có nhiều giảng viên và du học sinh người Việt không? Ở Mỹ có rất nhiều hội nhóm về cộng đồng người Việt, anh có tham gia hội nhóm nào không? Mọi người đã hoạt động, giúp đỡ nhau như thế nào trong thời gian ở nước bạn?

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng: ĐH bang Florida rất ít giảng viên hay du học sinh người Việt. Có lẽ, tôi là giảng viên người Việt duy nhất tại trường. Giáo sư giảng dạy tại trường thì lại là một cấp bậc khác, du học sinh người Việt cũng gần như rất ít, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trường học cũng hiếm có hội nhóm hay CLB nào của người Việt.

Bản thân tôi cũng không tham gia cộng đồng nào nhưng được biết ở khu vực bang có một cộng đồng người Việt nhỏ, vào mỗi dịp lễ Tết mọi người thường tụ tập lại nói chuyện, hỏi thăm nhau những công việc hàng ngày, chia sẻ những niềm vui cũng như khó khăn gặp phải trong cuộc sống.

Giáo sư Hoàng Việt Tùng công bố nghiên cứu tại hội nghị EuroCrypt 2019 (Hội nghị ngành Mật Mã Quốc Tế tại châu Âu).

PV: Nhiều bạn trẻ Việt Nam (hoặc cả các bậc phụ huynh) đều coi du học Mỹ là mục tiêu lớn, là con đường để đạt được thành công (với xác suất lớn). Anh nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng: Thật ra ở Mỹ có rất nhiều trường với chất lượng ở các mức độ "thượng vàng hạ cám" khác nhau. Theo quan điểm của tôi, để có thể sang Mỹ du học, bạn cần lựa chọn được ngôi trường tốt, phù hợp với bản thân.

Tiếp theo, một ưu điểm khi theo học tại Mỹ đó là du học sinh có nhiều cơ hội hơn có thể nói đến như môi trường học tập tốt, tạo tính tự lập, năng động, có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp tiếng Anh. Tuy nhiên, việc có đạt được thành công hay không lại phụ thuộc phần lớn vào bản thân mỗi người.

Nhiều du học sinh sang đây như được "vùng vẫy, tự do" khi thoát khỏi vòng tay của bố mẹ đã không tự kiểm soát được bản thân, buông thả việc học, chạy theo những cuộc chơi mới lạ. Hay ngược lại với một số bạn quá khép mình cũng khó có thể thành công.

Ở Mỹ, du học sinh có nhiều thời gian rảnh nên hầu hết các bạn đều đi làm thêm để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Một trong những nghề mà du học sinh hay chọn đó là làm nail. Công việc này ở Mỹ mang lại nguồn thu nhập có thể gọi là khá đối với các bạn du học sinh do đó có nhiều người mải miết chạy theo đồng tiền mà bỏ quên việc học.

Theo cá nhân tôi, việc được đi du học ở Mỹ chỉ là một cơ hội còn có thành công hay không lại phụ thuộc phần lớn vào bản thân các bạn. Một điều chắc chắn rằng, một người đã có sự nỗ lực và cố gắng thì học ở đâu, ở Việt Nam, Mỹ hay bắt cứ quốc gia nào cũng sẽ thành công.

Nhiều người quan niệm rằng việc học ở Mỹ sẽ đem lại giá trị cao hơn cụ thể là bằng đại học gắn mác nước Mỹ, cơ hội đến thành công cao hơn thì theo thôi đó là một quan niệm sai lầm. Bởi, nếu bạn học một trường có chất lượng giảng dạy kém ở Mỹ sẽ không thể bằng việc bạn lựa chọn một trường đại học danh tiếng ở một đất nước khác.

PV: Hiện nay có rất nhiều hội nhóm, diễn đàn chia sẻ về cách "săn học bổng". Ở thời của anh, điều này có phổ biến không? Và anh có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ nuôi ước mơ du học?

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng: Năm 2002, tôi bắt đầu xin du học, tuy nhiên tại thời điểm này các hội nhóm gần như không có, ngay cả internet hay mạng xã hội tại thời điểm đó cũng gần như chưa mấy phát triển, còn rất hạn chế. Thậm chí, tài liệu ôn tập để chuẩn bị cho việc tự xin học bổng cũng rất hiếm chủ yếu là tự học.

Kinh nghiệm “săn học bổng” cũng không có nhiều, mọi người truyền tay nhau, bạn bè chỉ nhau hoặc chờ học bổng từ các trường đại học ở nước ngoài về trường đại học tại Việt Nam.

Lời khuyên cho các bạn muốn đi du học đó chính là cần phải chuẩn bị kỹ càng, không cần chờ đến lúc sau khi học hết lớp 12 mà nên chuẩn bị từ trước đó có thể bắt đầu từ khi lên THPT.

Từ ngay khi ngồi trên ghế nhà trường bạn cũng nên tham gia những hoạt động xã hội bên ngoài để có những trải nghiệm và có những câu chuyện riêng cho mình để đến lúc khi làm bài luận mới có cái để viết. Với văn phong của người Mỹ, một bài luận để đạt được điểm số cao là phải có câu chuyện trong đó thật chi tiết và cụ thể.

Bên cạnh đó, đối với những học sinh tại Mỹ, việc chỉ học không thôi là chưa đủ mà cần có cả sức khỏe, tham gia các hoạt động thể thao. Thậm chí, một số người còn phấn đấu chơi giỏi thể thao như một vận động viên để có thể có được những ưu đãi trong quá trình xét tuyển. Do đó, bạn nên có một sức khỏe tốt khi muốn thực hiện mơ ước đi du học.

Theo quan điểm của anh Hoàng Việt Tùng, muốn đi du học tại Mỹ thì cần phải chuẩn bị kỹ càng, không cần chờ đến hết lớp 12 mà nên chuẩn bị từ trước đó có thể bắt đầu từ khi lên THPT.

PV: Hiện tại, Mỹ vẫn đang là một trong những nước có số ca nhiễm COVID-19 gia tăng cao trên toàn thế giới, công việc của anh có bị ảnh hưởng không? Phương thức giảng dạy tại nhiều trường ở Mỹ đều có sự thay đổi do dịch COVID-19. Điều đó diễn ra như thế nào tại trường Đại học bang Florida?

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng: Công việc của tôi cũng ảnh hưởng một phần do dịch COVID-19, các hoạt động ở trường Đại học bang Florida kể từ khi dịch COVID-19 đến thời điểm hiện tại đều theo hình thức online, qua ứng dụng Zoom. Cụ thể, từ công việc giảng dạy đến giải đáp thắc mắc cho sinh viên, thậm chí là các hội nghị cũng diễn ra dưới hình thức online.

PV: Tại trường và khu vực nơi anh sống, các biện pháp giữ khoảng cách an toàn được thực hiện ra sao?

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng: Cũng giống như các khu vực khác trên toàn nước Mỹ, tại trường học và nơi tôi sống, mọi người đều được yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng, xếp hàng giữ khoảng cách giữa người với người.

Tại siêu thị, từ các xe đẩy, quầy thu tiền, các cánh cửa lấy đồ ăn hay tất cả các đồ vật bên trong thì đều được khử trùng, thậm chí còn có nước rửa tay cho khách hàng tự khử trùng. Các biện pháp nhằm phòng tránh COVID-19 tại nơi đây được thực hiện rất tốt.

Một thay đổi lớn nhất đó chính là việc đeo khẩu trang bởi trước đây người Mỹ quan niệm rằng khẩu trang không phòng ngừa được việc virus SARS-CoV-2 phát tán ra bên ngoài nhưng bây giờ mọi người đã chấp nhận việc đeo khẩu trang mỗi khi ở nơi công cộng.

Bên cạnh đó, một hình thức khác nhằm phòng chống dịch COVID-19 là việc mua hàng hay thực hiện các giao dịch qua hình thức online, tránh sự tiếp xúc quá nhiều giữa người với người.

PV: Anh có gặp khó khăn gì khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp? Nhiều người chọn phương án trở về Việt Nam khi dịch mới lây lan, tại sao anh lại chọn phương án ở lại? Người thân phản ứng thế nào với quyết định của anh?

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng: Dịch COVID-19 diễn ra khiến việc đi lại bị hạn chế, đặc biệt khi tôi đang có cháu nhỏ nên việc khử trùng mỗi khi về nhà cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng hơn.

Những người lựa chọn phương án về Việt Nam đa số là các du học sinh, những người lao động chân tay hay những khách du lịch, họ không có đủ kinh tế để có thể ở lại. Về Việt Nam mọi sinh hoạt phí hay chi phí trong cuộc sống sẽ rẻ hơn và đảm bảo hơn với mức thu nhập.

Bản thân tôi đã gắn bó với nước Mỹ được 12 năm rồi, đã quen với cuộc sống nơi đây, thu nhập của tôi cũng đủ để có thể lo cho gia đình. Công việc là dạy học qua hình thức online tôi hoàn toàn có thể về Việt Nam mà vẫn đảm bảo thu nhập nhưng nếu lựa chọn về Việt Nam múi giờ sinh hoạt sẽ bị đảo ngược. Điều đó không những ảnh hưởng đến công việc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Theo nhiều người quan niệm rằng khi người Việt sống tại Mỹ thì Việt Nam vẫn là “nhà” nhưng bản thân tôi lại cho rằng, “nhà” là nơi ta sinh sống hằng ngày. Với tôi bây giờ, nước Mỹ chính là “nhà” còn Việt Nam là quê hương, là nơi tôi sinh ra.

Với quyết định lựa chọn việc ở lại nước Mỹ, người thân tôi ở Việt Nam cũng một phần lo lắng, tuy nhiên mọi người đều đồng ý với việc này.

Anh Hoàng Việt Tùng và bà xã quyết định ở lại Mỹ trong khoảng thời gian dịch COVID-19.

PV: Một thời gian trước, xảy ra vụ du học sinh Việt ở Harvard đòi công lý cho sinh viên quốc tế trước luật hạn chế visa của Mỹ, anh có biết đến sự việc này không? Theo anh, người dân Mỹ có phản ứng thế nào trước sự việc?

Tiến sĩ Hoàng Việt Tùng: Việc du học sinh Việt ở Harvard đòi công lý cho sinh viên quốc tế trước luật hạn chế visa của Mỹ theo đánh giá của tôi là một vụ việc không quá lớn, báo chí Mỹ cũng không đưa tin nhiều về việc này nên tôi không nắm bắt rõ.

Quy định về việc du học sinh học online 100% mà không đến trước sẽ bị buộc rời khỏi Mỹ đã có từ lâu và đây không phải là quy định mới. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bắt buộc sinh viên phải học online do ngăn chặn dịch bệnh thì việc áp dụng quy định này đã vấp phải “làn sóng” lớn từ các du học sinh và một số trường học cũng đã phản ứng với việc này.

Trường ĐH bang Florida cũng đã lên phương án mở một số lớp học nhỏ để sinh viên đến trường nhằm đối phó với quy định này nhưng ngay sau đó một vài ngày quy định này đã được giới chức Mỹ thu hồi và không áp dụng trong hoàn cảnh dịch bệnh này nữa.

Những người quan tâm và phản ứng trước sự việc này đa phần là các thầy cô giáo hoặc những người hoạt động trong ngành giáo dục, họ đã chia sẻ rất nhiều những bài viết liên quan đến sự việc lên trang cá nhân như Facebook nhằm bảo vệ du học sinh quốc tế.

Ở Mỹ, du học sinh quốc tế không chỉ mang lại nguồn thu nhập về kinh tế mà còn là nguồn lao động chất xám rất chất lượng.

Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh!

 Thủy Tiên

Tin nổi bật