Có thể nói, hiện nay khái niệm du học không còn là quá mới mẻ đối với các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên. Nhưng không phải ai cũng giành được học bổng xuất sắc và có điều kiện để đi du học một cách thỏai mái nhất. Vì thế, không ít bạn trẻ đã tìm cách “săn” học bổng từ nhiều hình thức khác nhau.
Lên kế hoạch "săn học bổng" rõ ràng
Vũ Trường Minh (SN 1991, quê Nam Định) là cựu sinh viên đại học Bách khoa Hà Nội và hiện là du học sinh một ngôi trường đại học thuộc top của nước Úc về công nghệ The University of Wollongong Australia. Minh nuôi ước mơ đi du học từ năm nhất đại học.
Sau một quá trình trau dồi bản thân, cuối cùng chàng trai 9X cũng đã thực hiện được ước mơ của mình là được đặt chân sang trời Tây với học bổng có tên tiếng Việt là “Học bổng sau đại học dành cho sinh viên quốc tế”, thời gian học 2 năm và giá trị học bổng 100% cả tiền học phí và sinh hoạt. Số tiền rơi vào hơn 2 tỷ/2 năm học.
Để chuẩn bị “săn học bổng”, Trường Minh bật mí trước tiên người học cần phải cân nhắc dựa trên những loại học bổng có sẵn để có thể chuẩn bị hồ sơ tốt nhất. “Điều kiện để nộp đơn vào loại học bổng mà tôi đã “săn” bao gồm: Học lực giỏi (đứng nhất lớp càng tốt), có tài liệu nghiên cứu đã được công khai (có báo viết rồi thì càng tốt), các học bổng trong quá trình học đại học trong nước, nếu học bổng được đánh giá càng cao thì càng tốt và điều kiện tiên quyết là tiếng Anh”, chàng du học sinh 9X chia sẻ.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm “săn học bổng”, Trường Minh cho biết: “Việc tìm kiếm học bổng hiện nay là dễ dàng hơn ngày trước rất nhiều, vì có nhiều phương tiện thông tin để tìm kiếm học bổng. Tuy nhiên, tổng quan nhất thì các bạn nên chuẩn bị học lực, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, các kỹ năng về máy tính, một số học bổng yêu cầu về hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa và không thể thiếu đó là tiếng Anh.
Còn với các bạn trẻ (trừ trường hợp các bạn học xong cấp 3 ở Việt Nam sau đó đi du học đại học nước ngoài với 25-50% học phí), thì các bạn nên chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Đừng để 4-5 năm học đại học trôi qua mà không tích lũy thêm được kiến thức cũng như kỹ năng nào”.
“Theo kinh nghiệm của tôi, tôi có kế hoạch “săn học bổng” chia giai đoạn đại học làm 3 phần: Phần 1 - năm 1, năm 2: Tập trung học kiến thức nền tảng cho tốt; Phần 2 - năm 3 và năm 4: Bắt đầu hoạt động ngoại khóa, học tiếng Anh và làm quen nghiên cứu; Phần 3- năm cuối: Đây là năm nên tập trung tối đa cho việc học, nghiên cứu để lấy kết quả cao nhất. Sau khi ra trường nhìn lại, các bạn sẽ thấy mình có đủ các kỹ năng cần thiết cho công việc cũng như nếu muốn đi du học”, Trường Minh nói thêm.
Tự vào website của các trường để "tìm" giấc mơ
Tốt nghiệp đại học Ngoại Thương năm 2015, từ đó Đỗ Thu Hiền (SN 1993, Hà Nội) được nhận vào làm nhân viên tư vấn tuyển dụng cho một công ty của Mỹ tại Việt Nam. So với bạn bè đồng trang lứa và với nhiều người thì thu nhập của Thu Hiền ở mức cao. Nhưng, cô gái này vẫn khát khao được đi du học.
Chia sẻ về quá trình “săn” học bổng của mình, Thu Hiền cho biết cô đã phải tự vào website của các trường mà mình định nộp đơn để tham khảo, tìm hiểu thông tin. Thu Hiền nói: “Tôi dự định học MBA (bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ). Ngành tôi du học khá đặc thù.
Thứ nhất, phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm, ngoài IELTS thì phải trải qua một kỳ thi chuẩn hóa để có thể đánh giá được năng lực của thí sinh, vì giáo dục ở mỗi nước sẽ khác nhau. Tham gia kỳ thi này điểm của tôi khá cao và trong công việc tôi cũng có một số thành tựu nhất định. Các hoạt động ngoại khóa của tôi cũng khá nhiều nên đều đạt”.
Học bổng mà Thu Hiền đạt được là học bổng của một tổ chức dành riêng cho “nữ lãnh đạo trẻ”. “Tôi được tài trợ 100% học phí (khoảng hơn 2 tỷ đồng/2 năm), tiền ăn uống mình sẽ tự chi trả”, Thu Hiền cho biết.
Thu Hiền bật mí thêm về kinh nghiệm “săn” học bổng: “Phải biết mình đi du học để làm gì? Tại sao lại đi du học? Vì có nhiều bạn khi đi học đại học đã đặt mục tiêu tích lũy kinh nghiệm để đi du học. Nhiều người đang nghĩ du học là đích đến thế nhưng thực chất đây chỉ là một phương tiện để giúp cho sự nghiệp của mình sau này sẽ tiến xa hơn. Vì thế, khi đã xác định được mục tiêu, ngành học thì các bạn trẻ nên đi làm ít nhất 2 năm để biết mình cần gì. Bên cạnh đó, nên chọn những ngôi trường vừa với tầm của mình, như thế cơ hội đi du học sẽ cao hơn”.
Mai Thu - Thanh Lam