Theo báo Giao thông, ngày 23/7, mạng xã hội lan truyền đoạn clip một người đàn ông trọc đầu, mặc đồ giống người tu hành ngồi trong quán nhậu tại Gò Vấp, TP.HCM. Người đàn ông này vui vẻ dự một bữa tiệc, tươi cười vẫy tay chào mọi người. Sau đó, có hình ảnh người này ở cơ quan công an.
Người đàn ông mặc trang phục như người tu hành ngồi tại trụ sơ cơ quan công an. Ảnh: Báo Giao thông.
Ngay sau đó, khi lực lượng chức năng kiểm tra một quán nhậu sân vườn ở phường 17, quận Gò Vấp, công an đã tiến hành kiểm tra, test nhanh đối với nhiều người nghi sử dụng chất kích thích và đưa hàng chục người về trụ sở, trong đó có người đàn ông ăn mặc như nhà sư. Ông này sau đó đã được cho về vì âm tính với chất kích thích.
Sau khi hình ảnh lan truyền, nhiều người đã nhận diện được người đàn ông cạo trọc, mặc đồ giống nhà sư tên là Nguyễn Minh Phúc (SN 1983, ngụ tại nhà số 174/13A ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi).
Ông này là một tu sĩ giả danh, chứ không phải là nhà sư thật sự và thường gây náo loạn mạng xã hội với nhiều phát ngôn, hành động phản cảm.
Liên quan đến vụ việc, thông tin trên báo Người lao động, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP HCM, khẳng định: "Ông Nguyễn Minh Phúc, tự xưng là "Đại đức Thích Tâm Phúc" không phải là tu sĩ Phật giáo. Về việc ông Phúc lên mạng có những phát ngôn giả dạng tu sĩ Phật Giáo đã được Thượng tọa Thích An Thường, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam huyện Củ Chi báo cáo".
Theo Thượng tọa Thích Tâm Hải, UBND huyện Củ Chi đã từng triệu tập các cuộc họp xử lý vụ việc với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan như công an, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa và Thông tin…
Qua thẩm tra, các loại giấy tờ, chứng minh là tu sĩ, các quyết định bổ nhiệm đối với ông Nguyễn Minh Phúc với chữ ký của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Trưởng ban Tăng sự Trung ương, khuôn dấu của Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN cấp cho ông Nguyễn Minh Phúc đều do ông Phúc tự làm, giả mạo.
Các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ cũng được cơ quan chức năng khẳng định là do ông Phúc tự làm giả.
"Vụ việc ông Nguyễn Minh Phúc, từ năm 2014, được Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn) xác nhận không phải là tu sĩ xuất gia ở chùa Hoằng Pháp và thông báo rộng rãi lưu ý.
Cơ quan chức năng cũng thông tin cho biết các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cấp cho tập thể và cá nhân ông Nguyễn Minh Phúc không có tên trong danh sách khen thưởng lưu trữ tại Ban Thi đua - Khen thưởng, các trường hợp được khen thưởng không hề có tên ông Nguyễn Minh Phúc", thượng tọa Thích Tâm Hải thông tin thêm.
Bảo An (T/h)