Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường, hiệu trưởng không thể nói không biết
Theo ông Hiếu, Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục đã ra đời từ rất lâu, không phải mới để nói không nhớ, không hiểu.
Tiền Phong dẫn lời giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Việc thu tài trợ đã quy định rất rõ ràng, nhưng tại sao cứ nhằm vào phụ huynh để thu, rồi chia trung bình trên đầu phụ huynh. Thầy, cô giáo không thu cho mình nhưng ngó lơ để xảy ra những khoản thu rất phản cảm. Đã được hướng dẫn, tập huấn nên thu sai thì phải xử lý vì để ảnh hưởng ghê gớm"
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng nhấn mạnh mọi công việc, thông tin, vấn đề liên quan gì giữa ban đại diện phụ huynh lớp, trường thì hiệu trưởng đều phải nắm, phải có thông tin, bàn bạc để có sự đồng thuận. Không có khái niệm quỹ lớp, quỹ trường. Hiệu trưởng không thể nói không biết.
Ông Hiếu cũng đề nghị Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT hướng dẫn đến các trường về tất cả các khoản thu phải không dùng tiền mặt để Sở quản lý được hệ thống các trường thu như thế nào vì hình thức thu, chi không dùng tiền mặt này là minh bạch, công khai. Các trường sẽ phải công khai mục đích thu là gì, nội dung chi là gì.
Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM- ông Nguyễn Văn Hiếu: Ảnh: Dân Trí.
Không phải quy định mức trần là thu đúng mức trần
Người đứng đầu Sở GD&ĐT TPHCM cũng thẳng thắn chỉ ra sai sót không ít trường mắc phải là thu số "chẵn". Ông cho hay, để tổ chức thu, Sở GD&ĐT đã yêu cầu trường xây dựng dự toán thu - chi cụ thể về những nội dung gì, sau khi dự toán xong mới tính ra số học sinh của lớp, trường để quy ra con số thu cụ thể.
Do đó, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trường nào thu "chẵn" số tối đa 300.000 đồng/học sinh/tháng là Phòng Kế hoạch - Tài chính sẽ xuống kiểm tra xem cách dự toán của trường như thế nào và sẽ xử lý nếu không làm rõ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các phòng GD&ĐT tham mưu với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chấn chỉnh xử lý các trường hợp thu không đúng quy định.
Theo ông, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn, tập huấn do đó thu sai là phải xử lý.
"Trong trường học, tất cả việc thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì hiệu trưởng cần nắm rõ để bàn bạc, đảm bảo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh. Nếu ngó lơ hoặc không quan tâm chỉ đạo thì lỗi lớn của hiệu trưởng nhà trường", ông Hiếu cho hay.
Không xếp môn tự chọn vào chính khóa
Vấn đề thu-chi được du luận đặc biệt là các bậc phụ huynh quan tâm. Ảnh: Tiền Phong.
Đối với việc xếp thời khóa biểu các môn học thuộc chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh, việc xếp các lớp trên tinh thần tự nguyện là mấu chốt của vấn đề mà hiện nhiều trường đang vướng.
Trong các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đầu năm, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các khoản thu dịch vụ phải được sự đồng thuận của phụ huynh. Các cơ sở cần sắp xếp lớp theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh.
Trường nào chưa chỉ đạo chặt chẽ hoặc phụ huynh chưa có sự đồng thuận phải cân nhắc, trao đổi với phụ huynh hiểu rõ.
Dân Trí dẫn lời ông Nguyễn Văn Hiếu: "Trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi giáo viên đã dạy hết giờ nghĩa vụ rồi (23 tiết/tuần) mà còn dư giờ theo giờ chính khóa (35 tiết/tuần), trường chủ động thực hiện chương trình đề án của thành phố, chương trình liên kết trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh".
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cũng làm rõ: Trong khái niệm dạy học 2 buổi/ngày, không có khái niệm buổi nào là buổi chính mà việc xếp thời khóa biểu cần đảm bảo khoa học, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng đối tượng học sinh, cần đan xen các tiết học để đảm bảo hài hòa với năng lực tiếp thu của học sinh.
Giám đốc Sở cho rằng xếp thời khóa biểu là một nghệ thuật, cần xếp làm sao học sinh vừa sức với tiếp thu, phù hợp với năng lực, lứa tuổi tâm sinh lý để các em không bị quá tải.
Có hiện tượng lạm dụng thuyết trình
Ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận thời gian qua có tình trạng giáo viên lạm dụng hình thức thuyết trình trong dạy và học khi đổi mới phương pháp. Môn nào, tiết nào giáo viên cũng bắt học sinh chuẩn bị bài thuyết trình ở nhà để vào lớp trình bày.
Theo ông, đổi mới phương pháp dạy học là phải giảm tải, tạo hứng thú cho học sinh. Lạm dụng các phương pháp đổi mới dạy học sẽ gây áp lực cho học sinh, gây ra phản cảm nặng nề trong việc dạy và học.
Do vậy, giáo viên các bộ môn phải có sự phối hợp với nhau, thống nhất bao nhiêu tiết thuyết trình trong một tuần, một tháng sẽ vừa sức với học sinh, tránh tình trạng không lạm dụng.
Ông Nguyễn Văn Hiếu nêu rõ, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin khác với giao bài tập về nhà. Khi nhà trường đổi mới phương pháp dạy học với phương pháp lớp học đảo ngược, sử dụng phần mềm LMS trong quản lý dạy học thì có nội dung giám sát, giao nhiệm vụ, chuẩn bị bài, nghiên cứu bài học khác với giao bài tập về nhà.
"Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học, giáo viên không được giao bài tập về nhà để giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, học sinh ở nhà cũng phải nghiên cứu, chuẩn bị bài cho tiết học mới và phương pháp mới song cần phải vừa sức", ông Hiếu nói.
Thùy Dung (T/h)