Vì thế mà dân làng làm ăn thất bát, nhiều người bỏ xứ ra đi. Thấy cảnh lầm than, sư thầy Thiện Hiếu lập chùa cúng bái, rồi lấy thân mình làm thức ăn cho bầy đỉa, kể từ đó loài đỉa không còn hoành hành nơi đây nữa.
Hòa thượng Thích Hồng Long, trụ trì đời thứ chín của chùa Tổ đỉa Long Hưng. |
Sự ra đời của ngôi chùa mang tên Tổ đỉa
Sau nhiều năm bôn ba đi hành thiện ở vùng đất miền Đông Nam Bộ. Đến năm 1768 sư thầy Thiện Hiếu đến với vùng đất làng Thới Hòa (nay thuộc ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), một vùng đất hiền hòa, yên bình. Thế mà, vùng đất yên bình này lại có rất nhiều đỉa, phá hoại mùa màng của dân làng. Người dân không dám xuống ruộng để cày bừa, thu hoạch mùa màng, trâu bò ra đồng ăn hay đi cày bừa đều bị đỉa tấn công, hút máu. Dần dần, trâu bò, nơi đây bị gầy gò, ốm yếu rồi chết. Thấy vậy, dân làng hùa nhau bỏ xứ ra đi vì sống không đặng với bầy đỉa hoành hành.
Lúc này, sư thầy Thiện Hiếu (tức ngài Đạo Trung, biệt danh của thầy), từ núi chùa Bà Đen (Tây Ninh) đi ngang qua vùng đất làng Thới Hòa bèn dừng chân nghỉ mát. Nghỉ được một lát, thầy Thiện Hiếu thấy cảnh vật nơi đây thoáng mát, không khí dịu êm, thầy quyết định ở lại qua đêm trong một nhà dân để tìm hiểu về cuộc sống chốn thanh bình này. Thấy sư thầy đức cao vọng trọng, người dân đem chuyện về loài đỉa phá hoại mùa màng, hoa quả, ra kể. Sư thầy Thiện Hiếu đem lòng thương hại, bèn ở lại nơi đây quyết định lập đền chùa để cầu mong cho dân làng được yên ổn làm ăn. Thầy đặt tên chùa là Tổ đỉa.
Chùa Tổ đỉa Long Hưng. |
Hòa thượng Thích Hồng Long trụ trì đời thứ chín chùa Tổ đỉa Long Hưng kể lại: "Được người dân hiến đất, sư thầy cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ nằm giữa làng với tên gọi là chùa Tổ đỉa, do thầy cai quản và làm trụ trì. Thầy cầu trời khấn Phật mong cho dân làng không bị đỉa phá hoại nữa, nhưng tình hình vẫn chẳng cải thiện là bao. Một hôm sư thầy ra ruộng ngồi thiền và phát lời nguyền: "Nếu loài đỉa do nghiệp chướng chưa vãn sanh, thì bây giờ sớm giác ngộ vãn sanh. Nếu cần, ta xin nguyện hiến thân mình cho loài đỉa ở đây và chỉ mong cho dân chúng được bình yên cày cấy, cơm no áo ấm". Nói xong, sư thầy Thiện Hiếu chú tâm ngồi nguyện giữa ruộng cho loài đỉa vây quanh hút máu. Trong đó, có con đỉa chúa, to (màu trắng) leo lên tận cổ sư thầy để hút máu, sư thầy vẫn an nhiên thiền định. Sau khi hút no máu của sư thầy, con đỉa chúa lăn đùng ra chết. Kể từ khi đỉa chúa mất đi, vùng đất này không còn đỉa nữa".
Hình ụ mối người dân dâng tặng chùa Tổ đỉa Long Hưng có hình thù giống đức Phật đang ngồi thiền. |
"Sau lần hiến thân của sư thầy Thiện Hiếu, làm cho loài đỉa không còn ở vùng đất an lành này nữa, dân làng kéo đến cúng bái, cảm tạ ơn sâu của sư thầy. Nhiều người còn tìm đến, với tâm nguyện làm đệ tử và muốn tôn sư thầy (thầy Thiện Hiếu - đã viên tịch) lên làm ông Tổ của chùa Tổ đỉa. Trước khi thị tịch (tức qua đời), thầy nói các môn đồ thiêu xác thầy, nếu còn lại bàn tay làm vật chứng thì mới gọi là Tổ. Quả như lời phát nguyện, hỏa thiêu thân xác thầy thành tro nhưng vẫn còn lại một bàn tay. Từ đó sư thầy được tôn xưng vào hàng Tổ. Để biết ơn vị thiền sư, người dân nơi đây nguyện góp lập ra chùa thờ tự ông với tên gọi Long Hưng cổ tự. Hay còn gọi là chùa Tổ đỉa, ý nói ngày trước vùng đất cổ tự tọa lạc là tổ đỉa khổng lồ", thầy Hồng Long cho biết.
Sự linh thiêng ở chùa Tổ đỉa được người dân tại ấp 4 (xã Tân Định), kể lại với lòng tự hào, dù đó là câu chuyện thực hư chưa thể kiểm chứng được. Nhưng trong lịch sử, ngôi chùa từng là nơi nuôi giấu cán bộ, cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. "Lúc trước, khi còn thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Tổ đỉa Long Hưng từng nuôi cơm người cách mạng để hoạt động ở các chiến trường miền Nam. Giặc Pháp không thể ngờ rằng nhà chùa là nơi nuôi giấu người tham gia cách mạng, chùa cũng là nơi liên lạc mật thiết của các chiến sỹ cộng sản lúc bấy giờ", ông Trần Thắm (SN 1947, ngụ ấp 4) kể lại.
Cụ Năm (68 tuổi, ấp 4, người thường xuyên đến chùa để chữa bệnh đau khớp) nhớ như in một lần bị địch càn quét: "Trong kháng chiến chống Mỹ, khi biết tin chùa nuôi cách mạng nhưng khó có thể bắt được, không thể phá hủy chùa bằng xe tăng, súng đạn. Khoảng 5h sáng cuối tháng 10/1966 lính Mỹ đã ném bom vào khu vực xung quanh chùa. Lúc đó, mọi người đều núp dưới tấm ván gỗ lớn nhất của chùa dùng để các sư thầy đọc kinh cầu tai qua, nạn khỏi. Khi bom Mỹ rơi xuống nhờ có tấm ván mà mọi người không hề bị thương tích, chỉ duy nhất một phụ nữ bị trầy xước bên ngoài. Quả bom cuối cùng Mỹ thả xuống trúng chánh điện làm chánh điện bị sập hoàn toàn".
Cụ Năm cho biết thêm: "Hiện cho tới bây giờ, tôi cũng không thể lý giải hay biết được tại sao quả bom rơi ngay vào chánh điện, làm các tượng Phật, gạch ngói bay tứ tung mà các sư thầy cùng người dân ẩn núp ở đây không ai bị thương vong gì cả. Chính vì lẽ đó, người dân ở đây tin tưởng vào sự linh thiêng che chở của chốn Phật pháp tu thiện. Nhiều người còn truyền tai nhau rằng, chính sư thầy Thiện Hiếu, người hiến thân cho bầy đỉa cứu dân nghèo đã che chở, bao bọc cho dân làng thoát được kiếp nạn ấy".
Sau lần địch càn quét năm đó, ngôi chùa hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Mãi năm 1987 chùa mới được trùng tu. Sự tàn phá của chiến tranh khiến chánh điện thờ bị phá hủy hầu như hoàn toàn. Hiện, chùa tọa lạc tại một hẻm nhỏ cách quốc lộ 13 hơn 500m (thuộc ấp 4, xã Tân Định, huyện Bến Cát), với tên gọi là chùa Long Hưng, rộng gần 1.500m2. Ngôi chùa này không những gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của huyện Bến Cát, mà trong tâm thức người dân nơi đây, chùa Tổ đỉa còn mang giá trị tâm linh. Chùa không rộng lớn lắm nhưng vẫn giữ được sự trang nghiêm cổ kính của một huyền tích bí ẩn.
Để bày tỏ lòng tôn kính với bậc thiền sư hiến thân mình nguyện mang lại sự bình yên của xóm làng, người dân nơi đây hay lui tới cúng viếng những bảo vật có giá trị văn hóa tâm linh. Bảo vật được quý trọng nhất đó chính là ụ mối có hình quan âm an tọa trên tòa sen. Trụ trì Hồng Long cho biết. "ụ mối này tự nhiên đụn lên trong nhà của phật tử, họ thấy lạ, nên nhờ chùa tới xem giúp. Sau đó gia đình đã hiến dâng ụ mối này cho nhà chùa. Mỗi ngày chùa Tổ đỉa cũng tiếp nhiều khách thập phương đến cúng bái, cầu nguyện. Đến giờ chùa Tổ đỉa Long Hưng đã trải qua chín đời trụ trì".