Trường hợp ông Đinh La Thăng không có khả năng bồi thường dân sự thì cơ quan thi hành án sẽ tạm đình chỉ đối với khoản nợ đó, buộc bị cáo vẫn phải chấp hành.
Buộc bồi thường hơn 800 tỷ đồng
Tính đến thời điểm hiện nay, sau 4 bản án tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt, ông Đinh La Thăng phải chấp hành hình phạt chung lên tới 30 năm tù (mức án cao nhất với tù có thời hạn) và buộc bồi thường hơn 800 tỷ đồng.
Cụ thể, trong vụ án cố ý làm trái xảy ra tại PVN và PVC, ngày 14/5/2018, tòa phúc thẩm tuyên phạt ông Đinh La Thăng 13 năm tù, buộc phải bồi thường 30 tỷ đồng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tiếp đến, ngày 26/6/2018, tòa phúc thẩm đã tuyên ông Đinh La Thăng y án 18 năm tù, buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng trong vụ góp vốn vào Oceanbank.
Vụ án thứ ba, ngày 22/12/2020, TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Mới đây nhất, liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ, ngày 15/3, TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, buộc bị cáo phải bồi thường hơn 200 tỷ đồng.
Là người trực tiếp điều hành nhiều phiên xét xử các vụ đại án kinh tế lớn, thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó Chánh tòa Phụ trách tòa Hình sự của TAND TP.Hà Nội cho biết: Không chỉ riêng đối với trường hợp của ông Đinh La Thăng mà đối với nhiều bị cáo khác, ngoài phải chịu trách nhiệm hình sự, các bị cáo còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
Trong trường hợp bị cáo không có khả năng bồi thường dân sự thì cơ quan thi hành án sẽ tạm đình chỉ đối với khoản nợ đó, đồng thời vẫn bắt buộc bị cáo phải chấp hành.
Ông Đinh La Thăng hầu tòa. |
Bồi thường dân sự là nghĩa vụ của bị cáo
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Trung Tiệp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 30 về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và điểm d khoản 3 Điều 326 về Nghị án thì: “Các vấn đề vụ án phải được giải quyết khi nghị án bao gồm: ...Hình phạt; biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự”.
Việc bồi thường trách nhiệm dân sự là nghĩa vụ mà bị cáo phải thực hiện theo bản án có hiệu lực của tòa án.
Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật, việc ông Đinh La Thăng phải buộc bồi thường hơn 800 tỷ đồng là nhằm để thu hồi lại toàn bộ tài sản do hành vi phạm tội. Tuy nhiên, phải căn cứ vào thực tế tài sản và ý thức khắc phục hậu quả của bị cáo, người phải thi hành án như nào?
Luật sư Tiệp phân tích: Trong trường hợp ông Thăng có điều kiện về tài sản và muốn khắc phục hậu quả (căn cứ vào các quy định của luật Phòng chống tham nhũng – khoản 4 Điều 92; Điều 29 BLHS năm 2015 quy định về miễn trách nhiệm hình sự) thì ông Thăng sẽ được xem xét miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm án khi đã bồi thường thiệt hại hay khắc phục được toàn bộ hậu quả theo quyết định của các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp, nếu ông Thăng có tài sản nhưng không bồi thường thiệt hại được sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không chấp hành án (Điều 380 BLHS năm 2015).
Trường hợp nếu sau này ông Thăng không bồi thường hết phần dân sự, sẽ không được xoá án tích và suốt đời sẽ là người có tiền án.
Pháp luật Việt Nam quy định, việc thu hồi tài sản tham nhũng do nhiều chủ thể thực hiện (Kiểm toán Nhà nước; Cơ quan Thanh tra; Các cơ quan tiến hành tố tụng; Cơ quan thi hành án dân sự...) với các biện pháp khác nhau như: Xác minh, truy tìm, truy thu, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản...
Việc thu hồi tài sản tham nhũng phụ thuộc vào điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, đặc biệt là các tài sản mà cơ quan thi hành án dân sự có thể kê biên, xử lý để đảm bảo thi hành án. Thực tế cơ quan thi hành án dân sự cũng gặp phải khó khăn khi phải xác định rõ tài sản đã phong tỏa, kê biên thuộc quyền sở hữu riêng của bị cáo hay sở hữu chung của bị cáo với người khác.
Còn trong trường hợp ông Đinh La Thăng không có khả năng bồi thường dân sự cơ quan thi hành án sẽ tạm đình chỉ đối với khoản nợ đó, đồng thời vẫn bắt buộc bị cáo phải chấp hành. Với tài sản riêng của ông Thăng, cơ quan thi hành có thể thực thi kê biên, đấu giá tài sản... để thu hồi lại tài sản từng bước cho Nhà nước.
“Biện pháp thứ hai là khởi kiện vụ án dân sự để đòi lại tài sản. Khi đó, cơ quan tố tụng sẽ thay mặt để đòi lại và những người hưởng thừa kế đều phải trả lại tài sản sau đó mới được hưởng quyền thừa kế”, luật sư Tiệp phát biểu.