Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tưởng cơn nhồi máu cơ tim, người phụ nữ bất ngờ mắc hội chứng "trái tim tan vỡ"

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Người phụ nữ nhập viện với các triệu chứng của hội chứng mạch vành cấp, được làm các cận lâm sàng mới phát hiện mắc hội chứng "trái tim tan vỡ" Takotsubo.

Bà L.H (65 tuổi, Hà Nội) bị chấn thương sọ não do ngã từ độ cao 3 mét. Bốn ngày sau, bà xuất hiện dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp, men tim tăng cao. Tuy nhiên, kết quả chụp mạch vành không phát hiện tắc nghẽn. Siêu âm tim cho thấy rối loạn vận động tại mỏm tim – đặc trưng của hội chứng “trái tim tan vỡ” hay còn gọi là bệnh cơ tim Takotsubo.

Một trường hợp khác là bà B.T.A (70 tuổi, ngụ tại TP.HCM) sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Năm ngày trước khi nhập viện, bà cảm thấy mệt mỏi, ho khạc đờm trắng, khó thở tăng dần. Tưởng bệnh phổi tái phát nên bà tự dùng thuốc giãn phế quản dạng xịt nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện, thậm chí bà khó thở đột ngột và được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tại đây, bà An được chẩn đoán suy hô hấp do phù phổi cấp, có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả siêu âm tim cho thấy buồng tim trái giãn, đặc biệt vùng giữa và mỏm tim giảm co bóp rõ rệt, trong khi phần đáy tim hoạt động bình thường. Hình ảnh buồng tim trái giãn phình giống hình chiếc bình hồ lô – dấu hiệu điển hình của hội chứng Takotsubo.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại khoa Hồi sức Nội tim mạch. (Ảnh: BVĐK Tâm Anh)

BS.CKII Võ Ngọc Cẩm, Phó khoa Hồi sức Nội Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM lý giải, Takotsubo là bệnh lý cơ tim cấp, làm suy giảm chức năng tống máu của tâm thất trái, gây ra các biểu hiện của suy tim cấp như đột ngột đau ngực, khó thở.

Bệnh cơ tim Takotsubo là bệnh cảnh tổn thương tim tạm thời, do tác động của các căng thẳng về cảm xúc hay hoạt động thực thể quá mức, chứ không phải do tắc nghẽn lòng mạch vành.

Theo bác sĩ Cẩm, đa số bệnh nhân gặp hội chứng Takotsubo là do căng thẳng nghiêm trọng về tình cảm hoặc thể chất, chẳng hạn như bệnh nặng, mất người thân, tai nạn nghiêm trọng, kinh doanh thua lỗ, biến cố ly hôn…

Bên cạnh đó, một số tình trạng bệnh lý (như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, tụt huyết áp, trầm cảm…) diễn tiến nặng cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng trái tim tan vỡ.

Hội chứng Takotsubo có biểu hiện giống như hội chứng vành cấp. Cả hai đều có chung biểu hiện lâm sàng như tức ngực, khó thở, nhịp tim không đều, mất ý thức hoặc ngất xỉu. Để chẩn đoán phân biệt, cần chụp mạch vành để loại trừ sự tắc nghẽn trong lòng động mạch vành – nguyên nhân phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim.

Đồng thời, bác sĩ sẽ thực hiện các chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm tim, MRI tim… để thấy những chuyển động bất thường thành của tâm thất trái. Bất thường phổ biến nhất trong bệnh cơ tim Takotsubo là phần mỏm của tâm thất trái phồng lên giống hình quả bóng.

Hầu hết bệnh nhân Takotsubo hồi phục hoàn toàn trong vòng 1-2 tháng và ít có nguy cơ tái phát. Một số trường hợp gặp phải biến chứng như phù phổi, huyết áp thấp, rối loạn nhịp tim, suy tim, cục máu đông trong tim.

Để ngăn ngừa hội chứng “trái tim tan vỡ”, mỗi người cần học cách kiểm soát cảm xúc, tránh để rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu quá độ. Người có các bệnh lý nền như COPD, hen suyễn, trầm cảm… nên điều trị bệnh ổn định, duy trì lối sống lành mạnh (tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia, tránh thức khuya…).

Tin nổi bật