Từ năm 2018 đến tháng 3/2021, bị cáo Đinh La Thăng đã nhận 4 bản án. Tổng gộp, mức án cao hơn 30 năm tù nhưng ông Đinh La Thăng chỉ phải chịu 30 năm tù giam.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ Ethanol Phú Thọ. |
Vụ án sai phạm trong dự án nhiệt điện Thái Bình 2
Bản án phúc thẩm ngày 14/5/2018 cho thấy, bị cáo Đinh La Thăng chỉ căn cứ vào báo cáo của tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) để phê duyệt cho PVC làm tổng thầu dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thực tế, PVC chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành dự án lớn này. Việc chỉ định trái với chỉ đạo của Chính phủ. Bị cáo Thăng cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của bị cáo Thăng và các bị cáo gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng. Tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Thăng 13 năm tù và buộc bị cáo Thăng phải bồi thường 30 tỷ đồng.
Vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank
Trong vụ án PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng bị cáo buộc ký kết thỏa thuận để PVN góp vốn vào Oceanbank trái thẩm quyền, không đúng chức năng. Thỏa thuận này là tiền đề để ra các Nghị quyết góp vốn sau này. Hậu quả, PVN đã bị thất thoát số tiền lớn.
Vào thời điểm tháng 6/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án 18 năm tù đối với bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT PVN. Bị cáo Thăng còn bị buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng.
Vụ án sai phạm tại cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương
Trong vụ án này, bị cáo Thăng bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Ngày 22/12/2020, TAND TP.Hồ Chí Minh đã tuyên án 20 bị cáo trong vụ án sai phạm tại cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải) bị phạt 10 năm tù.
Vụ án tại dự án Ethanol Phú Thọ
Liên quan đến dự án Ethanol Phú Thọ, ngày 15/3, TAND Hà Nội đã xử phạt bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, ông Thăng cũng bị buộc phải bồi thường hơn 200 tỷ đồng, trong tổng số hơn 543 tỷ đồng thiệt hại từ việc chỉ định thầu cho PVC trái quy định pháp luật.
Nhận thêm án, tại sao ông Thăng chỉ chịu tổng cộng 30 năm tù?
Lý giải về điều này, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chia sẻ, đây là nguyên tắc của pháp luật hình sự Việt Nam. Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì hiện nay pháp luật Việt Nam quy định có 7 hình phạt chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; Tù có thời hạn; Tù chung thân; Tử hình.
Trong đó, Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tù có thời hạn như sau: Trong trường hợp 1 người phạm nhiều tội thì Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc của Bộ luật Hình sự. Việc tổng hợp hình phạt sẽ căn cứ vào quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như vậy do tất cả các vụ án mà ông Đinh La Thăng bị kết án thì ông này chỉ bị Tòa án áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Bởi vậy căn cứ vào quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì Tòa án tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù (dù ông này có bị xét xử bao nhiêu lần, bao nhiêu lần bị kết tội đi chăng nữa).
Theo Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015, khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định:
Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung. Hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn.
Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỉ lệ cứ 3 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 1 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định trên.
Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân.
Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình.
Lưu ý, phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác, các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Đối với trường hợp trục xuất cũng không tổng hợp với các loại hình phạt khác. Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử bằng 1 bản án có hiệu lực pháp luật, đang chấp hành bản án đó nhưng lại thực hiện hành vi phạm tội mới hoặc có thực hiện hành vi phạm tội trước đó và giờ mới bị đem ra xét xử bằng 1 bản án mới thì việc tính tổng các hình phạt trong các bản án này được quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, 1 người đang phải chấp hành 1 bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử. Sau đó, hình phạt chung sẽ được tính theo cách đã nêu ở trên. Lưu ý, thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. Khi xét xử 1 người đang phải chấp hành 1 bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước. Sau cùng, tòa án sẽ quyết định hình phạt chung theo cách tính đã nêu ở trên.
Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp thì Chánh án tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án. Như vậy, do tất cả các vụ án mà bị cáo Đinh La Thăng bị kết án là hình phạt tù có thời hạn. Bởi vậy căn cứ vào quy định đã viện dẫn ở trên thì tòa án tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù đối với ông này.
Mộc Miên
Bài viết đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (12)