Khảo sát trang web bán vé máy bay trực tuyến của hãng hàng không Vietnam Airlines, đối với chặng bay Hà Nội-Đà Nẵng, ở chiều đi ngày 29/4, hãng Vietnam Airlines có 18 chuyến, giá vé phổ biến ở mức 2,5 triệu đồng/vé, tuy nhiên, một số khung giờ bay đẹp buổi trưa và chiều đã hết vé. Chiều về ngày 4/5, khung giờ sáng từ 9 đến 11 giờ cũng hết vé, các khung giờ khác giá dao động từ khoảng 2,5 triệu đồng/vé trở lên.
Tương tự, đối với hãng Vietjet, chiều đi giá vé phổ biến ở mức 3 triệu đồng, Bamboo Airways chỉ bay hai chuyến, hạng ghế phổ thông giá khoảng 2 triệu đồng, hạng thương gia 3,3 triệu đồng. Ở chiều về, hãng Vietjet có mức từ 2-2,5 triệu đồng/vé nhưng một số chuyến cũng đã hết vé, còn hãng Bamboo Airways giá vé dao động quanh mức 2,2-2,4 triệu đồng.
Ở đường bay Hà Nội-Nha Trang, vé của hãng Vietnam Airlines giá dao động quanh mức 3-4 triệu đồng và còn khá nhiều chỗ; chiều ngược lại cũng “cháy” vé và khách có thể chọn hành trình nối chuyến về Đà Nẵng và tiếp tục bay ra Hà Nội, giá vé kết hợp cho hành trình này khoảng 4,5 triệu đồng. Hãng Vietjet chiều đi có giá khoảng 2-3 triệu đồng tùy khung giờ bay, chiều về 2,7-3,6 triệu đồng.
Đại diện hãng Bamboo Airways nhận định trên báo Nhân dân, trong điều kiện thị trường nhiều biến động, hãng đang nỗ lực duy trì lịch bay ổn định với dải giá vé rộng và mức giá tối ưu nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4, 1/5.
Hãng dự kiến tăng tối đa năng lực khai thác, nhất là các ngày cao điểm như 30/4 và 1/5, các đường bay trọng điểm được ưu tiên gồm Hà Nội đi Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Lạt, Đà Nẵng; từ TP.HCM đi Phú Quốc, Đà Lạt.
Dịp nghỉ lễ 30/4, hàng không “khan” vé, giá cao. (Ảnh: Báo Nhân dân)
TTXVN thông tin, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trong ngành về việc tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4-1/5.
Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ; thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố, công khai giá bán và mức giá vé theo quy định.
Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.
Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, đúng số người theo quy định, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải; kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến, yêu cầu hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; niêm yết các thông tin theo quy định.
Các Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động; phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, kiểm tra phát hiện để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ, khủng bố có thể xảy ra tại các khu vực tập trung đông người (bến xe, trên phương tiện vận tải).
Sở Xây dựng các địa phương tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng ngành công an kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện kinh doanh vận tải, người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải; kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (tốc độ, nồng độ cồn, thời gian lái xe liên tục, chở quá số người quy định)…
Với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách, Bộ Xây dựng yêu cầu không đưa các phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật; không chở quá số người quy định; kiên quyết đình chỉ lái xe, người điều khiển phương tiện hoặc nhân viên phục vụ vi phạm những quy định nêu trên.
Cục Đường bộ chỉ đạo các khu quản lý đường bộ kiểm tra, rà soát hệ thống đảm bảo an toàn giao thông; nhà đầu tư BOT xây dựng phương án, kế hoạch tại các trạm thu phí đường bộ kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí đường bộ.