(ĐSPL) – “Mặt trăng máu” là hiện tượng báo hiệu ngày tận thế trong một số tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với những người yêu thiên văn học, "Mặt trăng máu" là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú khó có thể bỏ qua.
Mặt trăng máu - dấu hiệu của ngày tận thế
Ngày 8/10 tới, hiện tượng "Mặt trăng máu" sẽ xuất hiện trở lại, nằm trong chuỗi 4 lần nguyệt thực toàn phần trong năm 2014-2015.
|
Mặt trăng máu sẽ xuất hiện trở lại lần thứ hai trong năm nay vào ngày 8/10 tới. |
Trong những cuốn sách quen thuộc của Thiên chúa giáo cũng có nhắc đến hiện tượng "Mặt trăng máu" gắn liền với ngày tận thế, với tai họa... Một trong những cuốn sách quen thuộc của Kito giáo - cuốn "Khải Huyền" ghi lại: “Khi Chiên Con mở ấn thứ sáu, tôi thấy một trận động đất khủng khiếp xảy ra, Mặt trời trở nên tối đen như một bao tải làm bằng lông đen, cả Mặt trăng trở nên đỏ như máu”.
Trong kinh "Cựu ước" cũng có viết: “Trước Ngày Tận thế là Mặt trăng đỏ máu…”. Nhiều người Thiên chúa giáo cũng tin vào một truyền thuyết cho rằng, Mặt trăng máu chính là sự trừng phạt của Chúa - đó là cách Người thể hiện sự phẫn nộ đối với loài người. Và hình ảnh nguyệt thực cũng được gắn liền với hình ảnh cái chết của Chúa Giesu trên cây Thánh giá.
Trong đạo Phật, hiện tượng “Mặt trăng máu” cũng đứng đầu trong 7 đại nạn có thể xảy ra. Đại nạn xếp vị trí số 1 này được gọi là "nhất nguyệt thất độ", là sự thay đổi màu sắc của Mặt trăng Mặt trời, trong đó có Mặt trăng máu. Khi hiện tượng này xảy ra, đại họa sẽ ập tới và hủy diệt cuộc sống bình an của người dân.
Theo những tài liệu ghi lại trong cuốn "Đại Chính Tàng Kinh": “Nếu có nhật nguyệt bạc thực, hoặc ngũ tinh hình sắc biến dị, hoặc sao chổi bùng phát thì đó là dấu hiệu của tai họa, dịch bệnh hoành hành, quỷ thần bạo loạn, quân giặc dị quốc xâm lược”.
“Mặt trăng máu” – hiện tượng thiên văn kỳ thú
Theo các nhà thiên văn học, hiện tượng “Mặt trăng máu” thực chất chỉ là Nguyệt thực toàn phần. Lúc đó, Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng. Mặt Trăng sẽ bị bóng của trái đất che phủ hoàn toàn khiến cho Mặt Trời không thể chiếu trực tiếp vào nó. Lúc này, Mặt Trăng sẽ thay đổi nhiều màu sắc khác nhau do hiện tượng tán xạ.
|
Việt Nam có thể quan sát được hiện tượng Mặt trăng máu vào tối ngày 8/10 |
Theo NASA, khi ánh sáng Mặt Trời đi xuyên qua lớp khí quyển Trái Đất, do hiện tượng tán xạ nên các bước sóng ngắn màu xanh, tím... sẽ bị khí quyển hấp thụ gần như hoàn toàn. Ánh sáng có màu đỏ có bước sóng dài có khả năng xuyên qua bầu khí quyển nhiều nhất.
Lúc này bầu khí quyển Trái Đất như là một thấu kính hội tụ khổng lồ làm cho ánh sáng đỏ đi xuyên qua có xu hướng lệch về trục chính của vùng bóng tối mà ánh sáng này đã chiếu rọi Mặt Trăng khi nó đi qua vùng này.
Do đó ta thấy Mặt Trăng có màu đỏ khi diễn ra Nguyệt thực – đó chính là “Mặt trăng máu”. Mặt trăng sẽ tiếp tục thay đổi những sắc thái khác nhau trong suốt các giai đoạn diễn ra của Nguyệt thực, bắt đầu từ màu xám đen tới màu đỏ đồng và có thể cả màu hổ phách. Độ rực rỡ của màu đỏ này chịu ảnh hưởng bởi mật độ bụi, và hơi nước của bầu khi quyển Trái Đất vào thời điểm diễn ra Nguyệt thực.
Như vậy, hiện tượng “Mặt trăng máu” thực chất chỉ là một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp, nó không phải là dấu hiệu của thiên tai, cũng chẳng hề liên quan tới đại họa diệt vong của loài người.
Hiện tượng “Mặt trăng máu” sẽ trở lại vào ngày 8/10 tới với hình ảnh mặt trăng có màu đỏ như máu.
Ở Việt Nam và nhiều vùng khác trên thế giới, có thể quan sát được hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất năm 2014 này.