Một trong những Thánh tích vô giá nhất Nhà thờ Đức Bà Paris và toàn thế giới là chiếc vòng mạo gai của Chúa Giê-Su (Crown of Thorns) đã được cứu khỏi đám cháy.
Crown of Thorns - Thánh tích quan trọng bậc nhất trong Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Getty |
Khi ngọn lửa bùng phát tại Nhà thờ Đức Bà Paris vào chiều tối 15/4, toàn thể người Pháp, những tín đồ Kitô giáo và người yêu nghệ thuật trên khắp thế giới lo ngại cho số phận của những kiệt tác đại diện cho văn hoá, lịch sử, tôn giáo có thể bị bị diệt vong trong đám cháy. Tuy nhiên, may mắn thay, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo xác nhận cảnh sát và nhân viên cứu hộ đã giải cứu thành công một số tác phẩm nghệ thuật - bao gồm chiếc vòng mạo gai của Chúa Giê-Su (Crown of Thorns).
Bộ Nội vụ Pháp sau đó cũng cho biết các nhân viên cứu hỏa rất lạc quan rằng họ có thể cứu được cấu trúc chính và tòa nhà hai tháp chuông, mặc dù gác chuông bị phá hủy.
Chiếc vòng mạo gai của Chúa Giê-Su
Chiếc vòng gai này được cho là vật mà Chúa Giê-su từng đội trên đầu trước khi bị đóng đinh trên thập giá. Chiếc vòng là một trong những công vụ được những kẻ bắt giữ Chúa sử dụng để gây đau đớn và chế nhạo uy quyền. Vòng được đặt ở gian cuối của nhà thờ.
Chỉ vào thứ Sáu đầu tiên của mỗi tháng và tất cả các ngày thứ sáu trong Mùa Chay (6 tuần trước lễ Phục Sinh), chiếc vòng mới được đưa ra trong các buổi lễ để các tín hữu được nghiêm ngưỡng và tôn thờ.
Thánh tích này được tìm thấy ở thánh địa Jerusalem, mang đến Pháp vào thế kỉ thứ 13. Trước khi được chuyển vào nhà thờ Đức Bà, nó được đặt trong nhà thờ Sainte-Chapelle. Nó được bọc trong một hộp đựng bằng vàng và thủy tinh trang trí công phu.
Cửa sổ hoa hồng
Cửa sổ kính hoa hồng là công trình kỳ vĩ được bảo tồn nguyên vẹn qua nhiều thế kỷ. Ảnh: Getty |
Cửa sổ kính hoa hồng đồ sộ là một trong những kiến trúc nổi tiếng nhất, cực kỳ ấn tượng nằm bên trong khu vực phía Nam của Nhà thờ Đức Bà Paris. Ban đầu, cửa sổ là một món quà từ Vua St. Louis IX được tạo ra vào năm 1260. Ba sổ kính hoa hồng ở nhà thờ chính tòa tự hào là một trong những kiệt tác vĩ đại của Kitô giáo.
Hiện vẫn chưa thể xác định được những thiệt hại do khói và mảnh vỡ tác động lên tác phẩm nghệ thuật này như thế nào.
Đại phong cầm
Nhà thờ Đức Bà là nơi sở hữu chiếc đại phong cầm nổi tiếng nhất thế giới - nhạc cụ tạo ra âm thanh bằng cách điều khiển không khí có áp lực (gọi là gió) qua các đường ống của đàn với 8.000 ống. Công trình được lắp đặt từ năm 1403 bởi Friedrich Schambantz và đến năm 1738 tiếp tục được sửa sang bởi François Thierry. Lần phục hồi mới nhất là vào những năm 1990.
Chiếc đại phong cầm nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: Getty |
Di tích tôn giáo
Nhiều di tích tôn giáo, từ chén Thánh hiệp thông đến lọ máu Thánh được giữ trong Phòng kho báu nhỏ mà khách du lịch đến thăm Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn đến chiêm ngưỡng.
Tại Lăng Claude-Henry d’Harcourt có tượng một vị tướng quân đội Pháp đã qua đời ở tuổi 65 được điêu khắc bằng đá cẩm thạch trắng từ năm 1776. Trong khu bảo tồn còn có bức tượng Madonna và trẻ em - một trong 37 đại diện của Đức Trinh Nữ Maria trong Nhà thờ - có từ thế kỷ 14.
Những bức hoạ
Trên bức tường phía Tây của nhà nguyện Saint-Guillaume treo một trong những bức tranh đẹp nhất trong nhà thờ, một kiệt tác của thế kỷ 18 gọi là Visitation được vẽ từ năm 1716.
Ngoài ra, địa điểm này cũng hữu những bức hoạ quý hiếm thuộc khuôn khổ công trình 'Mays' - một loạt các bức tranh vẽ xuyên suốt thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Các hoạ sĩ được ủy quyền bởi hội thợ kim hoàn của Paris để dâng lên Nhà thờ Đức Bà Paris. Truyền thống bắt đầu vào năm 1630 và từ đó mỗi năm đều có một bức tranh mới được dâng lên cho đến năm 1707 (ngoại trừ năm 1683 và 1694).
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo The Sun)