Theo Lao Động, Liên bộ Công thương – Tài chính công bố giá xăng dầu tăng kể từ 15h ngày 1/3 với tất cả các mặt hàng từ mức trên 460 đồng tới gần 547 đồng.
Mức giá cơ sở được áp dụng: giá xăng E5RON92 có giá 26.077 đồng/lít; xăng RON95-III có giá 26.834 đồng/lít; dầu diesel 0.05S có giá 21.310 đồng/lít; dầu hỏa có giá 19.978 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá 18.468 đồng/kg.
Bộ Công thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt căng thẳng giữa Nga – Ukraine đã ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong khi nhu cầu xăng dầu lại tăng.
Việc này dẫn đến bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/2 và kỳ điều hành lần này tăng khoảng 3-4%. Giá xăng dầu vượt đỉnh lịch sử đã tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. VietNamNet thông tin, vào chiều ngày 2/3, ông Nguyễn Lâm Hải - Trưởng phòng Kế hoạch vận tải, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cho biết kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đơn vị này đã nhận được kê khai điều chỉnh giá cước của 11 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến xe.
Nhiều nhà xe đồng loạt xin tăng giá vé trước tình hình giá xăng dầu tăng cao kỷ lục. Ảnh minh họa: Pháp Luật TP.HCM
Theo ông Hải, nhiên liệu chiếm từ 25 – 30% trong cơ cấu giá thành vận tải. Nếu tính từ đầu năm 2022 cho tới kỳ điều chỉnh ngày 1/3 thì giá xăng dầu tăng khoảng 6%. Trong khi đó, do tác động của dịch COVID-19 nên nhu cầu đi lại của người dân chưa thể phục hồi như trước, lượng khách chỉ còn khoảng 40% – 50% so với cùng kỳ các năm.
Khách không có khiến doanh thu từ hoạt động vận tải thấp trong khi chi phí nhiên liệu leo thang chính là nguyên nhân khiến các đơn vị vận tải phải tăng giá vé. Hiện, 11 doanh nghiệp đã kê khai, điều chỉnh giá vé ở mức tăng khoảng 20% so với trước.
Việc tăng giá vé được đáng giá là động thái “cực chẳng đã” vì giá vé tăng thì hành khách lại càng cân nhắc việc sử dụng dịch vụ. Khi các tỉnh/thành mở cửa lại sau dịch COVID -19, các doanh nghiệp vận tải vốn không tăng giá để hút khách, thế nhưng hiện buộc phải tăng để bù chi.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hành khách liên tỉnh và Du lịch TP.HCM trước đó nhận định nhiều đơn vị vận tải đã lên phương án tăng giá cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ không tăng giá ngay lập tức mà có lộ trình để “giữ chân” khách, đưa ra mức giá mới có tính cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi đó, đại diện Bến xe miền Đông chia sẻ, theo quy định liên quan đến kê khai giá vé vận tải hành khách, các đơn vị sẽ gửi đề xuất lên cơ quan quản lý là sở GTVT ở các tỉnh/thành phố, đây là đơn vị xem xét mức giá. Ở Bến xe miền Đông, sau khi giá kê khai được chấp nhận thì tại bến sẽ chấp nhận việc doanh bán với mức giá đó.
Đinh Kim (T/h)