Ngày mai (25/1) là đến kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước. Theo báo Dân trí, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết thời gian qua, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng tăng so với kỳ trước. Đáng chú ý, mức tăng tương đối lớn.
Dựa trên diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp dự báo trong kỳ điều hành ngày 25/1, xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 650-750 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 800-900 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel được dự báo tăng 150-200 đồng/lít.
Giá xăng sẽ tăng mạnh vào gần Tết?
Trường hợp dự báo trên là chính xác, mặt hàng xăng RON 95 sẽ có lần tăng giá thứ ba liên tiếp. Nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng ít hơn.
Ở kỳ điều hành gần nhất ngày 18/1, cơ quan quản lý quyết định tăng 370 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, lên 21.410 đồng/lít; tăng 550 đồng/lít đối với xăng RON 95, lên 22.480 đồng/lít.
Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu báo cáo hiện trạng, việc duy trì và đáp ứng điều kiện về giấy phép kinh doanh xăng dầu, theo các nghị định kinh doanh mặt hàng này (Nghị định 83/2024, Nghị định 95/2022 và Nghị định 80 vào tháng 11/2023).
Cụ thể, các doanh nghiệp đầu mối phải kê khai về điều kiện cầu cảng thuộc sở hữu hoặc thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu; kho tiếp nhận xăng dầu và phương tiện vận chuyển. Các đầu mối cũng phải báo cáo hệ thống phân phối, như số lượng cửa hàng thuộc sở hữu, thuê (từ 5 năm trở lên); đại lý, tổng đại lý và thương nhân nhượng quyền trực thuộc hệ thống của mình.
Ngoài ra, các thương nhân phân phối thì báo cáo về cửa hàng (sở hữu, thuê), đại lý bán lẻ, cửa hàng trực thuộc đơn vị nhận nhượng quyền. Các báo cáo này gửi về Bộ Công Thương trước 30/1.
Trước đó, theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố đầu tháng 1, nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh doanh, cấp phép xăng dầu của Bộ Công Thương được nêu ra. Trong hơn 5 năm, Bộ này đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Tuy nhiên, thực tế sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu. Trong gần 3 năm, việc đầu tư kho xăng dầu thương mại của các doanh nghiệp đầu mối chỉ đạt 15% theo quy hoạch.
Các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều đầu mối, thương nhân phân phối chỉ thuê kho, bể chứa xăng dầu theo mùa vụ để giảm chi phí, qua mặt cơ quan quản lý. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.
Thanh tra Chính phủ xác định đây là một trong những nguyên nhân trong khâu cấp phép, ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường, thông tin trên báo VnExpress.
Vân Anh (T/h)