Trước vấn đề người dân "than trời" vì hoá đơn tiền điện tăng đột biến, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc chia biểu giá điện 6 bậc như hiện nay thì người hưởng lợi là ngành điện chứ không có lợi cho người tiêu dùng.
Thời gian gần đây, nhiều người bày tỏ sự bất ngờ khi cầm trong tay hoá đơn tiền điện tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước. Lý giải về điều này, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết do thời điểm này nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, thêm vào đó, giá điện đã chính thức tăng 8,36% kể từ 20/3.
Trước vấn đề đang trở thành điểm nóng dư luận, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (bộ Tài chính).
Thưa chuyên gia, những ngày qua, nhiều người dân lo lắng khi hoá đơn tiền điện tăng cao so với các tháng trước. Về điều này, ngành điện giải thích là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng và giá điện chính thức tăng 8,36% từ ngày 20/3. Theo ông, lý giải này có chấp nhận được?
Ngành điện có giải thích 2 lý do tăng giá điện là do giá bán lẻ bình quân tăng từ 20/3 là 8,36% và mùa nắng nóng nên người tiêu dùng tăng lên. Khi giá điện bình quân tăng lên từ 20/3, Cục trưởng cục Điều tiết điện lực (bộ Công Thương) cho biết người thu nhập sẽ phải trả thêm từ 7.000 đến 77.000 đồng.
Nguyên nhân vì sao giá điện lại tăng đến như vậy, theo tôi có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, do giá bán lẻ bình quân tăng lên 8,36%, thứ hai do mùa nắng nóng người dân dùng nhiều điện hơn, nhưng nguyên nhân cuối cùng, cũng là nguyên nhân cốt lõi nhất đó là biểu giá điện hiện nay bất hợp lý.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng biểu giá điện hiện nay bất hợp lý. |
Chuyên gia có thể phân tích rõ hơn về nguyên nhân cốt lõi nhất là ở biểu giá điện?
Về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân cho một kWh điện. Mức giá bình quân sau khi được điều chỉnh từ ngày 20/3 là 1.864 đồng/kWh. Còn lại, hiện nay Chính phủ yêu cầu cơ quan chức năng cụ thể là bộ Công Thương xây dựng biểu giá điện đạt được 3 mục tiêu: Thứ nhất là đảm bảo chính sách an sinh xã hội (hỗ trợ cho người nghèo); thứ hai là khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện (bởi nguồn lực để sản xuất điện không đủ cung cấp cho nhu cầu người dân); thứ ba, không khuyến khích tiêu dùng điện vì điện phần lớn chủ yếu sử dụng từ năng lượng nguyên liệu tái tạo, than, dầu… nên những loại này sinh ra chất thải có hại cho người dân. Do vậy, bài toán đặt ra là phải xây dựng biểu giá điện phù hợp với ba mục tiêu đó.
Từ ba mục tiêu này, bộ Công Thương đã không để giá điện sinh hoạt một bậc mà chia làm nhiều bậc, tránh tình trạng, người nghèo chịu giá điện quá cao, mà người giàu lại chịu giá điện rẻ, dẫn đến việc sử dụng lãng phí. Tuy nhiên, việc chia biểu giá điện làm 6 bậc lại không hợp lý.
Biểu giá điện hiện nay đang được chia làm 6 bậc. |
Vậy theo chuyên gia để đáp ứng ba mục tiêu nêu trên, ngành điện cần phải làm gì?
Nếu nhìn vào biểu giá sinh hoạt được chia làm 6 bậc, thì chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0-50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại tăng cao.
Trong khi đó, bậc điện mà người dân hay dùng nhiều nhất là từ 100kWh trở lên thì giá lại cao ngất ngưởng.
Có nghĩa là, một gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 người con tiêu xài bình thường thì mất khoảng 201-300kWh/tháng. Bây giờ, lại quy định mức giá rất cao so với giá bán lẻ bình quân như vậy, tổng số doanh thu chia cho sản lượng điện bán ra thì sẽ lớn hơn giá điện bình quân 1.864 đồng/kWh. Còn số lượng người dùng điện dưới 100kWh thì hiện nay rất ít. Vì thế, bất hợp lý là ở biểu giá điện chứ không phải ở cách tính giá điện.
Biểu giá điện này có từ năm 2014, sau một vài năm sử dụng người ta thấy bất hợp lý, yêu cầu phải sửa đổi nhưng họp 1, 2 năm không thay đổi. Phải xem xét lại, cách tính lại biểu giá điện.
Với biểu giá điện 6 bậc như hiện nay thì người hưởng lợi là ngành điện, không có lợi cho người tiêu dùng. Vì thế, biểu giá điện cần được chia nhỏ nhiều bậc thêm nữa, không chỉ dừng lại ở 6 bậc như hiện nay, giá của từng bậc như thế nào cần tính toán.
Theo chuyên gia, trách nhiệm xây dựng lại biểu giá điện cho phù hợp thuộc về ai?
Theo tôi, trách nhiệm này thuộc về cục Điều tiết Điện lực của bộ Công Thương.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, tại buổi họp “Công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019" chiều 20/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng cục Điều tiết điện lực, bộ Công Thương cho biết, hiện nay, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt gồm 6 bậc. Với mức điều chỉnh tăng giá 8,36%, mỗi khách hàng sử dụng điện ở mức 50kWh sẽ phải trả thêm 7.000 đồng/tháng. Các khách hàng sử dụng từ 50 đến 100 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng. Đối với khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 31.600 đồng. Khách hàng sử dụng tới 300 kWh sẽ phải trả 53.100 đồng. Khách hàng sử dụng đến 400 kWh sẽ phải trả 77.200 đồng/tháng. |