(ĐSPL) - Thấy "vợ hờ" được người đàn ông khác chở về nhà, Phương nổi cơn ghen, đuổi theo "tình địch" đánh tử vong người này.
Theo báo Trí thức trẻ, ngày 26/12 TAND tỉnh Hòa Bình đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Việt Phương (SN 1975, xã Phú Châu, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) tạm trú tại tổ 19, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình về tội danh Giết người.
Bị cáo Phương được dẫn giải đến tòa - Ảnh: báo Trí thức trẻ |
Báo Hòa Bình cho hay, Lê Việt Phương chung sống như vợ chồng với chị Điêu Thị Tuyến. Vào khoảng 22h20’ ngày 09/5, sau khi đi làm về và biết chị Tuyến đi hát Karaoke với bạn. Lê Việt Phương đã nghi ngờ chị Tuyến đi ngoại tình nên đã xuống nấp chờ ở gần khu vực cầu tháng A43 để xem chị Tuyến đi về với ai.
Đến khoảng 23h30’ Phương đã nhìn thấy anh Đoàn Văn Đấu (là quản lý nơi chị Tuyến làm việc) chở chị Tuyến về bằng xe máy của mình.
Do bực tức nên Lê Việt Phương đã đánh chị Tuyến. Thấy Phương có thái độ hung hăng, Đoàn Văn Đấu đã quay về. Thấy vậy, Phương đã nhặt nửa viên gạch đuổi theo rồi đập vào đầu anh Đấu khiến anh ngã xuống đất rồi bất tỉnh.
Tuy được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đến ngày 12/5 anh Đấu đã bị tử vong. Đến ngày 18/5/2016, Lê Việt Phương đã đến cơ quan Công an thành phố Hoà Bình đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Với hành vi phạm tội nêu trên, toàn phiên toà xét xử sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX TAND tỉnh đã tuyên phạt Lê Việt Phương mức án 17 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình người bị hại tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)