Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gấp rút hoàn thành đề án đào tạo ngành Luật biển quốc tế

(DS&PL) -

Trong tình hình Trung Quốc leo thang tại biển Đông, Hiệu trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng cần có những luật sư, chuyên gia về Luật biển quốc tế để đấu tranh, giành công lý

Trong tình hình Trung Quốc leo thang tại biển Đông, Hiệu trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng cần có những luật sư, chuyên gia về Luật biển quốc tế để đấu tranh, giành công lý và hoà bình cho đất nước.

Sáng nay (20/5), trong buổi toạ đàm khoa học về “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế”, Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội – Tiến sĩ Phan Chí Hiếu đã phát biểu trước gần 1.000 người trong giới luật học và sinh viên về những trăn trở trước tình hình biển Đông, đồng thời nêu lên đề án mở chuyên ngành đào tạo Luật biển quốc tế.

Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội – Tiến sĩ Phan Chí Hiếu tại buổi toạ đàm khoa học về “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế”

Để đấu tranh với sự bành trướng của Trung Quốc tại biển Đông, Hiệu trưởng Phan Chí Hiếu và PSG.TS Nguyễn Bá Diến cùng nhấn mạnh rằng phải sử dụng công lý, luật pháp như một chiếc “nỏ thần” để nhận được sự ủng hộ của quốc tế và hoà bình cho đất nước. Vì lẽ đó, việc đào tạo những chuyên gia về luật pháp quốc tế, nhất là Luật biển là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Phóng viên Dân trí đã phỏng vấn thầy Nguyễn Chí Hiếu để tìm hiểu đề án này.

Thưa thầy, thầy có thể cho biết về đề án chuyên ngành đào tạo Luật biển quốc tế của trường ĐH Luật?

Tôi luôn trăn trở làm thế nào để Việt Nam có những nghiên cứu sâu, bài bản và toàn diện hơn về các khía cạnh pháp lý liên quan đến biển đảo, qua đó để chuẩn bị lực lượng, nguồn lực pháp luật để đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Vì vậy, chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho đề án mở chuyên ngành đào tạo về Luật biển quốc tế.

Ý tưởng mở chuyên ngành này có từ khi nào, thưa thầy?

Ý tưởng mở chuyên ngành riêng đào tạo về Luật biển quốc tế đã được nhà trường nung nấu từ giữa năm 2013, trước tình hình biến động và sự gia tăng xung đột trên biển Đông, đặc biệt là trước hành động gây hấn của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam thời gian gần đây.

Trước đây, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đã gợi ý cho trường về việc mở chuyên ngành đào tạo, nghiên cứu Luật biển quốc tế. Đặc biệt, trong mùa tuyển sinh năm 2013, khi nhà trường mở một địa điểm thi tại trường ĐH Hàng hải đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, mong muốn liên kết giữa hai trường để mở chuyên ngành về Luật biển quốc tế.

Đề án mở chuyên ngành đào tạo Luật biển quốc tế bao giờ sẽ hoàn thành?

Nhà trường đang gấp rút hoàn thành đề án, dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành để trình Bộ GD&ĐT. Theo quy trình, để mở một mã ngành mới, các cơ sở đào tạo phải được sự cho phép của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sẽ xem xét cơ sở đào tạo có đáp ứng yêu cầu về lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất, đánh giá nhu cầu xã hội thì mới cho phép.

Thầy tin rằng chuyên ngành này sẽ thu hút sinh viên?

Tôi mong rằng sinh viên xác định thái độ học tập đúng đắn, đầu tư chuyên sâu để nghiên cứu lĩnh vực Luật biển. Tôi biết rằng nghiên cứu chuyên ngành này sẽ không hấp dẫn bằng các chuyên ngành như Luật kinh tế, Luật thương mại ... nên nhà trường sẽ có những biện pháp hỗ trợ cụ thể về điều kiện vật chất và học tập cho sinh viên.

Nếu được Bộ GD&ĐT đồng ý mở chuyên ngành, nhà trường sẽ dành những điều kiện tốt nhất cho các sinh viên đăng ký học chuyên ngành này bao gồm học phí, học bổng, giáo trình...

Đề án vẫn chưa đi vào thực tiễn thì hiện tại, nhà trường và sinh viên ĐH Luật Hà Nội đã làm gì để đóng góp sức mình cho đất nước trong tình hình hiện nay?

Trước mắt, chúng tôi rất khuyến khích sinh viên và nghiên cứu sinh thực hiện những nghiên cứu thuộc đề tài Luật biển. Đồng thời, chúng tôi cũng liên tục tổ chức những hội thảo, toạ đàm về vấn đề Luật biển, luật pháp quốc tế để sinh viên có kiến thức chuyên sâu, kích thích ham muốn tìm tòi và nghiên cứu của sinh viên về vấn đề này, từ đó có thêm nhiều đóng góp cho việc bảo vệ chủ quyền đất nước trong tương lai.

Thời gian gần đây, các cán bộ, giảng viên trong trường cũng liên tục trả lời báo chí về những vấn đề luật pháp liên quan tới quyền lợi của Việt Nam trên biển Đông và việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phêp, đó cũng là cách nhà trường đóng góp cho phong trào đấu tranh hiện nay.

Trong tình hình này, các bạn sinh viên nên hành động ra sao?

Đối với sinh viên, cách thiết thực nhất để đóng góp cho đất nước là học thật tốt, nghiên cứu thật sâu các vấn đề pháp lý về biển đảo. Các em cũng phải theo dõi sát sao các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước để thực hiện đúng, yêu nước đúng cách, tuyệt đối không manh động, tránh không để những phần tử xấu lôi kéo.

Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của thầy!

Theo Dân Trí

Tin nổi bật