Những ai từng đặt chân đến Tử Cấm Thành (Cố cung) đều phải trầm trồ trước sự uy nghiêm, hoành tráng của công trình này. Trải qua hàng nghìn năm, các nhà khảo cổ học, sử học và kiến trúc sư vẫn luôn bị cuốn hút bởi di tích ẩn chứa nhiều bí mật này. Từng cành cây, ngọn cỏ, ngay cả viên gạch lát sàn trong Tử Cấm Thành cũng đều ẩn chứa những câu chuyện riêng của nó.
Tử Cấm Thành.
Vào thế kỷ 20, một sự kiện ấn tượng đã xảy ra khiến các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc thời bấy giờ phải kinh động. Khi ấy, một khu vực trên sân gạch Tử Cấm Thành bị nứt vỡ, hư hỏng. Nhân dịp này, các chuyên gia đã đào bới sàn gạch lên để tìm cách tu sửa và đồng thời nghiên cứu kỹ hơn kết cấu dưới lòng đất của cung điện.
Sau đó, kết quả thu được khi đối chiếu, tổng kết với sử sách đã khiến mọi người vô cùng trầm trồ. Loại gạch được lát dưới cung điện xa hoa là "gạch vàng". Mặc dù không được làm từ vàng nhưng giá trị của nó thậm chí còn cao hơn cả vàng. Chúng là loại gạch nung đặc biệt xuất xứ từ đất làng Lục Mộ ở tỉnh Tô Châu.
Yêu cầu sản xuất đối với "gạch vàng" ở mức khắt khe đến không tưởng tượng nổi. Chỉ tính riêng việc xử lý đất đã phải trải qua 7 công đoạn, bao gồm đào, vận chuyển, phơi khô, nện đất, nhào trộn, mài và sàng đất. Sau đó, đất này phải được phơi 1 năm trời để loại bỏ tạp chất. Người thợ phải kỳ công rút sạch hết bọt khí để cục đất được đặc ruột 100%. Sau đó, đất được cho vào khuôn rồi phơi khô tiếp 7 tháng mới đưa vào lò và nung trong 40 ngày.
Một viên "gạch vàng" lát sàn này trung bình mất 720 ngày mới chế tác xong, tức khoảng 2 năm. Vào thời điểm đó, mỗi năm cả nước chỉ có thể sản xuất 7.000 viên gạch để đáp ứng nhu cầu của Minh Thành Tổ, đó là chưa trừ đi những sản phẩm lỗi không qua kiểm duyệt.
Không phải mọi nơi trong cung đều được lát loại gạch cao cấp này mà chỉ những nơi quan trọng như cung vua, nơi ở của người có địa vị cao và các tuyến đường chính trong Tử Cấm Thành mới có.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phát hiện sau khi lật lớp gạch bên trên, ngay bên dưới lại có thêm một lớp gạch khác y hệt. Chưa dừng lại, khi tiếp tục lật lớp gạch ấy lên thì lại có thêm một lớp nền khác giống hệt như vậy xuất hiện. Cứ thế, có đến tổng cộng 15 lớp gạch lát nền được chồng lên nhau, xếp đều tăm tắp dưới sàn Tử Cấm Thành.
Tuy nhiên đáng chú ý là bên dưới không hề có cơ quan bí mật hay dòng nước nào. Điều đó khiến các chuyên gia vô cùng kinh ngạc, muốn biết bí mật đằng sau những tầng gạch này là gì? Tại sao người xưa phải lát tới 15 tầng gạch chồng lên nhau như vậy?
Người xưa phải lát tới 15 tầng gạch chồng lên nhau tại các khu vực quan trọng.
Qua quá trình tra cứu sử liệu cũng như nghiên cứu và thảo luận, các chuyên gia đã phát hiện ra mục đích của 15 tầng gạch này là nhằm bảo vệ sự an toàn cho hoàng thất, đặc biệt là cho bậc đế vương.
Dù những bức tường của Tử Cấm Thành đã được thiết kế cao ngất, được canh phòng cẩn mật, trong ngoài đều có 3 lớp canh phòng, nhưng Hoàng đế vẫn không yên tâm, luôn lo sợ sẽ có kẻ xấu đào hầm, chui lên từ lòng đất đột nhập vào cung.
Do đó, Hoàng đế Chu Đệ của nhà Minh mới yêu cầu những người thợ thủ công lát tầng tầng lớp lớp gạch bên dưới nền cung điện, để không kẻ nào có ý định xâm phạm được.
Vì đòi hỏi quá nghiêm khắc nên bấy giờ, hoàng đế yêu cầu mỗi viên gạch đều phải khắc tên người sản xuất và người lát. Nếu sau này có vấn đề gì xảy ra, 2 người này sẽ bị trừng phạt bằng cách nặng thì chặt đầu, nhẹ thì đi đày ải.
Vào đầu những năm 2000, trong một cuộc đấu giá cổ vật, một cặp "gạch vàng" nhà Minh đã được bán với giá 800.000 NDT (khoảng 2,8 tỷ đồng), tức là một viên gạch giá 1,4 tỷ đồng. Bí quyết chế tạo "gạch vàng" trong Tử Cấm Thành đã bị thất truyền và hiện nay vẫn chưa ai có thể tạo ra những sản phẩm tương tự như vậy.
Mộc Miên (T/h)