Theo văn phòng Nghị sĩ Scott Perry, ngày 9/8 (giờ địa phương), FBI đã tịch thu điện thoại của ông. Động thái này diễn ra 1 ngày sau khi FBI tiến hành cuộc đột kích, khám xét dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và thu giữ nhiều thùng tài liệu.
Ông Perry, đảng viên Cộng hòa đến từ Pennsylvania, cũng đã lên tiếng xác nhận rằng điện thoại của ông bị FBI thu giữ.
Cụ thể, ông cho biết: "Sáng nay, trong khi tôi đang đi cùng gia đình, 3 đặc vụ FBI đã đến gặp tôi và thu giữ điện thoại của tôi. Họ thậm chí không hề liên lạc với luật sư của tôi, người đã sắp xếp lịch để giao cho họ điện thoại của tôi nếu đó là những gì họ cần. Điện thoại của tôi chứa thông tin về các hoạt động lập pháp và chính trị của tôi cũng như các cuộc thảo luận cá nhân/riêng tư với vợ, gia đình, các cử tri và bạn bè của tôi. Tất cả những thứ này không phải việc của chính phủ".
Nghị sĩ Scott Perry, đồng minh thân thiết của cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP
Nghị sĩ Perry, một trong những người ủng hộ ông Trump tại Điện Capitol, đã ví việc FBI thu giữ điện thoại của ông như cuộc đích bất ngờ vào dinh thự cựu tổng thống và lên án đây là các hành động mang động cơ chính trị. Ông Perry chỉ trích: "Như những gì đã xảy ra với cựu Tổng thống Trump, Bộ Tư pháp đã thực hiện những hành động không cần thiết và có ý gây hấn thay vì liên lạc với luật sư của tôi".
Nguyên nhân FBI thu giữ điện thoại của ông Perry hiện chưa được công bố. Trong những tháng gần đây, ông Perry đã bị giám sát chặt chẽ hơn vì bị nghi liên quan tới nỗ lực giúp ông Trump lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Ông Perry được cho là đóng vai trò trong việc phản đối Quốc hội xác nhận kết quả bầu cử và chiến thắng của Tổng thống Joe Biden, khi ấy là đại diện đảng Dân chủ.
Dù đã nhận được trát đòi hầu toà nhưng ông Perry đã từ chối tham gia phiên điều trần trước Uỷ ban Điều tra Hạ viện về vấn đề trên. Luật sư của ông, ông John Rowley, nói rằng ông Perry "không làm gì sai trái" trong cuộc biểu tình bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol.
Theo uỷ ban, ông Perry là một trong những người đã bỏ phiếu không luận tội ông Trump sau cuộc biểu tình bạo loạn ngày 6/1.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)