(ĐSPL) - Yêu công nghệ không phải là xấu, nhưng yêu đến mức "cuồng tín", mà người ta vẫn gọi là "fanboy" hay "fangirl", thì nó sẽ phá hỏng trải nghiệm công nghệ của bạn.
|
Hãy là những người biết "yêu" một cách đúng đắn. |
Mỗi sản phẩm công nghệ, từ một cặp tai nghe Sennheiser cho đến một chiếc iPhone hay một chiếc laptop HP Envy, đều là một thiết bị tinh tế đến kì lạ. Chúng giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn rất nhiều. Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có lý do để yêu và trân trọng các công nghệ mà mình sở hữu.
Rất tiếc, có nhiều người thể hiện tình yêu này một cách thái quá. Họ hâm mộ công nghệ cuồng nhiệt tới mức sẵn sàng xúc phạm những người không cùng quan điểm. "Fan cuồng công nghệ" có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên Internet, từ các diễn đàn, Facebook cho đến cả các trang tin công nghệ.
Bài viết này không nhằm mục đích đả kích tình yêu công nghệ của các bạn, mà chỉ muốn các bạn xem lại cách thể hiện "tình yêu" để không trở thành đối tượng bị mọi người xa lánh.
1. Fan cuồng của Android
"Chỉ có ngớ ngẩn mới mua iPhone".
Các "fan cuồng Android" luôn sẵn sàng dành ra hàng giờ để chứng minh với bạn rằng phải sử dụng HTC One, Nexus 4, Galaxy S4… mới là thực sự hiểu biết về công nghệ, còn việc mua iPhone hay iPad là phí tiền và ngu ngốc.
Hiển nhiên nhiên, không có một chiếc iPhone hay iPad nào là hoàn hảo. Song điều đó không có nghĩa rằng mua iPhone hay iPad là ngu ngốc. Dù có cấu hình yếu hơn nhưng các thiết bị iOS vẫn rất mượt mà và ổn định. Thiết kế của Apple mang những nét đẹp riêng. Trải nghiệm iPhone dù không đa dạng như Android song vẫn có nhiều trải nghiệm mà Android không có.
Ở chiều ngược lại, bên kia "chiến tuyến", chúng ta có…
2. Fan cuồng của Apple
Sự "căm thù" dành cho Apple là khá lố bịch, nhưng sự thật là rất nhiều "tín đồ nhà Táo" cũng có suy nghĩ một chiều: "Apple là trên hết, là tất cả". Các "fan cuồng" này cho rằng lý do duy nhất để người khác lựa chọn Nexus 5 là do nó có giá rẻ hơn iPhone 5s, họ cho rằng camera của HTC One là quá kém, còn camera của Lumia 1520 lại quá thừa thãi. Họ cho rằng những người mua đồ của Samsung chỉ là để "ra vẻ" coi thường Apple chứ không phải là vì yêu thích Android.
Khi Apple là một... triết lý sống.
Thậm chí, các fan cuồng này luôn coi Quả táo là người khai sáng của lĩnh vực công nghệ, trong khi thực tế là Apple đã học hỏi rất nhiều trải nghiệm của các công ty khác, ví dụ như bảo mật vân tay, màn hình cảm ứng hay camera trên điện thoại.
Các fan cuồng này cũng luôn cho rằng: những gì Apple không có là những thứ bạn không cần. Khi Steve Jobs nói rằng người tiêu dùng không thích sử dụng tablet cỡ nhỏ, các fan cuồng khăng khăng rằng mua tablet cỡ nhỏ là sai lầm. Khi Apple phát hành iPad mini, các fan này lại nói rằng chiếc tablet cỡ nhỏ này là một sản phẩm hoàn hảo.
Sự thật là các fan cuồng, dù là của Apple hay Android, đều không suy nghĩ một cách khách quan với những vấn đề liên quan tới "tín ngưỡng" của mình. Họ không chịu hiểu rằng tất cả các thiết bị công nghệ đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, rằng mỗi người có một sở thích riêng, và rằng smartphone chỉ là một loại phương tiện chứ không đại diện cho người chủ sở hữu.
3. Fanboy của Xbox, PlayStation hay PC
Phải chơi game trên PC thì mới là "quí tộc"?
Rất nhiều game thủ PC cho rằng rằng "console đang làm hỏng ngành game" bằng cách tạo ra các trò chơi "chỉ để nhấn nút bừa bãi trên gamepad". Luận điểm này là hoàn toàn sai lầm, bởi có rất nhiều lý do để các game thủ khác chọn console: nhiều đầu game chất lượng cao từ các hãng sản xuất (Microsoft, Nintendo và Sony), không phải lo lắng quá nhiều về lỗi driver hay hệ điều hành…
Còn trong thế giơi console, fan cuồng của Xbox và PlayStation thường xuyên tranh cãi với nhau. Dịch vụ Xbox Live đang là dịch vụ chơi game trực tuyến đứng đầu thế giới, trong khi các thế hệ PlayStation luôn sở hữu các tựa game một người chơi chất lượng cao như God of War hay The Last of Us… Xbox được các tựa game phương Tây ưu ái hơn, còn PlayStation lại là bến đỗ của các tựa game Nhật Bản. Bởi vậy, không có lý do gì để các fan của Xbox được quyền coi thường các fan PlayStation hoặc ngược lại.
Mỗi nền tảng đều có điểm mạnh hay điểm yếu riêng, bởi vậy mỗi người đều có lý do để lựa chọn nền tảng game phù hợp với họ.
4. Những người thích "dạy" người khác rằng iOS và Android không thể phục vụ cho công việc
Họ thường là "fan ruột" của Microsoft và BlackBerry – các công ty "chiếu dưới" trên thị trường di động song lại có truyền thống trên mảng doanh nghiệp. Họ thích mỉa mai rằng iPhone, iPad là những thứ "đồ chơi" vô dụng. Khi BlackBerry 10 thất bại, họ bày tỏ sự tức giận đối với iFan, "những kẻ ngu ngốc" đã đẩy bàn phím vật lý vào chỗ chết.
Có 2 điều mà các fan này không chịu chấp nhận. Thứ nhất, cả iOS và Android đều đang được sử dụng rộng rãi trong môi trường làm việc, do đó chắc chắn chúng là các sản phẩm hữu ích cho công việc. Thứ hai, việc mua thiết bị Android hay iOS làm "đồ chơi" cũng không có gì là lạ, vì chúng ta không phải là những cỗ máy chỉ biết làm việc, chúng ta cũng cần thư giãn với các sản phẩm công nghệ của mình.
5. Những người tôn thờ sự khác biệt
Có những người "tôn thờ" những sản phẩm công nghệ chỉ phục vụ cho một số ít, ví dụ như tai nghe audiophile, máy ảnh DSLR cao cấp hoặc các máy chơi game cầm tay (3DS, PSP, PlayStation Vita).
Các các fan công nghệ "cao cấp" hay đưa ra các tuyên bố dạng như "Thấy các bạn bàn về Candy Crush, mình cầm PSP cười khẩy đi ra".
Lý do họ "tôn thờ" các sản phẩm này là bởi "số đông ngu ngốc" không thể hiểu được vẻ đẹp đằng sau các sản phẩm của họ, chỉ những sản phẩm cấp thấp mới dành cho số đông. Họ coi thường những bức ảnh chụp bằng smartphone, những game casual trên Facebook hoặc một đôi tai nghe không đòi hỏi các bộ amp đắt tiền. Thậm chí, họ bày tỏ sự coi thường đối với các sản phẩm cùng đẳng cấp với các thiết bị họ đang dùng nhưng lại không hợp với sở thích của họ.
Phải ghi nhận một đièu rằng những người bỏ ra hàng chục triệu đồng mua máy ảnh hay tai nghe thường có nhu cầu thưởng thức cao hơn những người khác. Nhưng chúng chỉ là những sản phẩm tiêu dùng, và do đó không đáng để người sở hữu phải "hi sinh" các mối quan hệ của mình.
Theo Vnreview