Ảnh minh họa
Căn cứ quy định hiện nay tại Luật Bảo hiểm y tế, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến BHYT để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Khi thực hiện khám, chữa bệnh, bất kỳ ai tham gia BHYT cũng sẽ được hưởng các quyền lợi về BHYT theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi người bệnh có thẻ BHYT khám và điều hậu COVID-19 tại cơ sở y tế công lập sẽ được BHYT chi trả theo quy định pháp luật.
- Mức hưởng BHYT đối với người bệnh khi tham gia khám, điều trị hậu COVID-19 căn cứ theo Điều 22 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, cụ thể:
Đi khám, chữa bệnh đúng tuyến: Người sẽ được thanh toán chi phí trong phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế với mức hưởng như sau:
100% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các trường hợp là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ nghèo; người có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở…
95% chi phí khám, chữa bệnh dành cho những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ cận nghèo…
80% chi phí khám, chữa bệnh dành cho các đối tượng khác.
Đi khám, chữa bệnh trái tuyến: Nếu tự đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến mà không có giấy giới thiệu thì tùy tuyến khám chữa bệnh mà người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán như sau:
Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Mức hưởng trái tuyến này được áp dụng đối với tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi cả nước (Theo Công văn 627/BYT-BH năm 2021).
Lưu ý, những trường hợp không tham gia bảo hiểm y tế sẽ không được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh hậu COVID-19.
Cự Giải (T/h)