Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Có nên test nhanh COVID-19 ngay sau khi tiếp xúc với F0?

(DS&PL) -

Dưới đây là một số lưu ý khi bạn cần ghi nhớ khi thực hiện test nhanh COVID-19 tại nhà để có kết quả chính xác.

Khi tiếp xúc với F0 các chuyên gia khuyến cáo người tiếp xúc nên xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp thuận tiện và dễ tiếp cận nhất như test nhanh hoặc xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, thời điểm xét nghiệm để có kết quả chính xác tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Không nên test ngay sau khi tiếp xúc F0

Các nghiên cứu đã cho thấy tải lượng virus của F0 cao nhất trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Đây là lúc các xét nghiệm COVID-19 có thể phát hiện chính xác nhất.

Không giống xét nghiệm rRT-PCR, các xét nghiệm nhanh kháng nguyên phát hiện protein của virus. Nó cho kết quả dương tính khi người bệnh đang ở giai đoạn có khả năng lây nhiễm. Ngưỡng phát hiện virus là từ ngày thứ 4 đến 10.

Nếu vừa tiếp xúc nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm virus, song, tải lượng còn thấp. Lúc này, test nhanh chưa phát hiện được virus, kết quả trả về dễ là âm tính giả.

Do đó, nếu không có triệu chứng mắc COVID-19, bạn có thể test nhanh vào ngày thứ 5 hoặc thứ 7 sau khi tiếp xúc F0. Nếu gia đình có người mang thai, mắc bệnh lý nền, bạn cần tuân thủ 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau đó, đợi đến ngày thứ 4 mới nên test nhanh. Nếu kết quả âm tính, bạn nên test lại vào ngày thứ 7.

ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng việc test nhanh liên tục là không cần thiết. Người dân chỉ cần test nhanh khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, đau họng, đau ngực.

Bác sĩ Thái cũng khuyến cáo người dân xét nghiệm nhanh nhiều lần nhưng không đúng cách thì vẫn không phát hiện được virus mà còn gây lãng phí và tốn kém. Bên cạnh đó, việc này còn tạo cảm giác an toàn giả, dễ buông lỏng các biện pháp phòng bệnh, theo Tri thức trực tuyến.

CDC Hà Nội hướng dẫn 6 bước thực hiện test nhanh

Bước 1: Trước khi lấy mẫu: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng test nhanh của nhà sản xuất. Người lấy mẫu thực hiện vệ sinh, sát khuẩn tay.

Bước 2: Chuẩn bị lấy mẫu:

Lấy khay thử ra khỏi túi đựng và sử dụng càng nhanh càng tốt trong vòng 1 giờ. Đặt khay thử trên bề mặt phẳng sạch nằm ngang. Lấy que ngoáy tỵ hầu ra khỏi túi và tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm.

Bước 3: Lấy mẫu bệnh phẩm (Lưu ý: bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả không chính xác)

a) Lấy mẫu dịch tỵ hầu (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu)

Tư thế ngồi lấy mẫu: Ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, đầu nghiêng về phía sau một góc 70 độ. Đối với trẻ nhỏ: đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha/mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.

- Cầm que lấy mẫu đưa nhẹ nhàng vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.

- Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

b) Lấy mẫu dịch mũi (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũi)

Tư thế người được lấy mẫu giống như lấy mẫu dịch tỵ hầu. Cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây. Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này để lấy mẫu với bên mũi còn lại và thao tác như lỗ mũi thứ nhất. Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

Bước 2: Tách chiết mẫu:

- Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống chiết. Xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống 10 lần.

- Để đầu que ngâm trong dung dịch 1 phút. Bóp 2 thành ống ép vào đầu que. Từ từ xoay que và ép đầu que khi rút để thu dịch càng nhiều càng tốt. Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt.

- Lắc mạnh ống theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu. Tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt. Nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.

Bước 5 Đọc kết quả:

Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm, thời gian đọc kết quả khác nhau. Thông thường thời gian đọc kết quả từ 15-30 phút. Không được đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sinh phẩm. Kết quả âm tính: Chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ).

Kết quả dương tính: Xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T.

Kết quả không có giá trị: Cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T.

Người dân cần lưu ý, nếu vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc khay thử bị hỏng. Lúc này, phải thực hiện lại test thử xét nghiệm hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn hỗ trợ.

Bước 6 Thu gom và xử lý vật liệu xét nghiệm đã sử dụng:

Tất cả các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng được xem như là chất thải lây nhiễm, cần thu gom và xử lý đúng quy định. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi.

Các túi màu vàng đều phải dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2", để nơi cố định và thông báo cho đơn vị chức năng tại địa phương thu gom, xử lý theo quy định đối với chất thải lây nhiễm. Không cho chung các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng vào rác thải sinh hoạt thông thường.

Những lưu ý khi test nhanh COVID-19 tại nhà

BS Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khuyến cáo, người dân nên mua các loại test nhanh kháng nguyên nằm trong danh sách công bố của bộ Y tế. Đồng thời, thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Khi test nhanh hiển thị 2 vạch bên cạnh chữ C và chữ T, nghĩa là mẫu bệnh phẩm dương tính. Nếu chỉ hiển thị 1 vạch bên cạnh chữ C, nghĩa là âm tính. Với nhiều loại que test khác nhau, màu hiển thị của vạch có thể là đỏ, xanh, hoặc đen. Tuy nhiên, ý nghĩa không thay đổi.

Trong một số trường hợp, vạch ở chữ T không rõ ràng, mờ, nhạt, khiến người dân lo lắng, không chắc chắn về độ chính xác. Nhiều mẫu test còn bị nhòe ở vùng hiển thị, cũng không thể xác định kết quả âm hay dương tính.

Khi lấy mẫu, tùy theo mỗi bộ kit test sẽ phải thực hiện lấy mẫu dịch tỵ hầu hoặc dịch mũi. Dịch tỵ hầu và dịch mũi có thao tác lấy mẫu khác nhau, độ sâu của que thử cũng khác nhau. Do đó việc đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì bộ kit test rất quan trọng.

Người dân cần lưu ý, khi nhỏ dung dịch chứa mẫu bệnh phẩm vào khay đựng, phải đặt trên mặt phẳng, không lắc nghiêng, không sốt ruột và tác động đến mẫu test.

Mẫu test nhanh phải chờ đủ thời gian để cho kết quả đúng. Thời gian này được ghi rõ trong hướng dẫn sử dụng của mỗi bộ kit test khác nhau, thông thường từ 15-30 phút. Nếu 2 vạch xuất hiện sau khung thời gian trên bao bì hướng dẫn, rất có thể là dương tính giả.

Bên cạnh đó, điều kiện bảo quản mẫu, nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm cũng ảnh hưởng đến độ nhạy của xét nghiệm nhanh.

Các bác sĩ cho biết, trong trường hợp, khay thử không hiện cả vạch C và T, hoặc chỉ hiện vạch T thì kết quả này không có giá trị. Lúc này, người dân phải thực hiện lại xét nghiệm nhanh theo đúng hướng dẫn hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được hỗ trợ.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng khuyến cáo, người dân cần lưu ý: test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 thường có nhiệt độ bảo quản từ 2 - 30 độ C.

Khi sử dụng test tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Kiểm tra hạn sử dụng trước khi dùng, tuyệt đối không sử dụng bộ kit test đã hết hạn. Nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất, theo Vietnamnet.

Linh Chi (T/h)

Tin nổi bật