Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

[E] Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La: Lửa đam mê vẫn cháy ở tuổi 90

(DS&PL) -

Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La được biết đến như “thầy của các thầy giáo” thanh nhạc, cả cuộc đời luôn sống giản dị với tình cảm mến thương của nhiều thế hệ học trò.

[[[style]]]#main-detail[#background:#fcefd7;color:# 594332!important;#main-detail:not([class*=vmp]):not([component])[#font-family:'times new roman',times!important;#][[[/style]]]

Thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là những người không theo học thanh nhạc, có lẽ ít ai từng nghe đến tên Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Hồ Mộ La. Bà là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi trong dòng nhạc thính phòng, cổ điển.

Giới thanh nhạc cùng thời từng gọi bà Hồ Mộ La với biệt danh “phù thủy âm nhạc”. Tên gọi này gắn với kỷ niệm giữa bà và nữ học trò, người đang là một trong những giọng ca hàng đầu Việt Nam hiện nay trong dòng nhạc thính phòng và cách mạng truyền thống, ca sĩ Anh Thơ.

Ca sĩ Anh Thơ từng theo học NGƯT Hồ Mộ La trong suốt 5 năm. Bà nhận xét, Anh Thơ là người có nhạc cảm là lĩnh hội rất thông minh.

Tôi từng luyện thi cho Anh Thơ chỉ hơn 4 tháng. Hai cô trò tập có những buổi kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ mà không hề bị bặt giọng hay khản tiếng. Đó chính là cái hay của việc hát đúng phương pháp.

Sau khi về ký túc xá Anh Thơ vẫn mượn đàn tập thêm, tiến bộ rõ ràng từng ngày một. Bài dự thi của Anh Thơ nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán phòng hàng trăm người.

Khi cô ấy dừng tiếng hát, mọi người đứng bật dậy, những tràng pháo tay dài hàng phút vang lên, tôi ‘nổi da gà’ vì học trò làm quá tốt, phát huy hết được những thế mạnh trong giọng hát, và tôi cũng vui vì Anh Thơ lĩnh hội được những gì mình truyền đạt.

Danh hiệu “phù thủy” của tôi được mọi người trao tặng chính là sau tiết mục dự thi năm đó của Anh Thơ”, NGƯT Hồ Mộ La kể lại câu chuyện về Anh Thơ.

Trước khi giảng dạy, dìu dắt hàng loạt nghệ sĩ thành danh, NGƯT Hồ Mộ La từng tham gia các lớp đào tạo về hợp xướng, opera tại Liên Xô (cũ) vào những năm 60 của thế kỷ trước. Bà là nữ nghệ sĩ hiếm hoi thời ấy sang du học âm nhạc tại Liên Xô. Ở thời điểm được cử đi nước ngoài học, bà Hồ Mộ La đã 28 tuổi, có chồng và con gái đầu lòng.

Khi mà tôi vẫn trẻ, 18 tuổi và khao khát đi học thì đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Đến khi đã 28 tuổi rồi, đã có chồng và một đứa con rồi thì lại có cơ hội được cử đi học.

Đây là một điều rất hiếm có, kỳ lạ, và cũng rất vinh dự đối với bản thân tôi. Đó cũng là ước mơ của tôi từ thời thiếu nữ, nên dù đã có chồng con tôi vẫn quyết định lên đường đi du học”, bà Hồ Mộ La kể lại.

Trong khoảng thời gian du học, bà Hồ Mộ La đã lĩnh hội và tiếp thu một cách toàn diện căn bản nghệ thuật và kỹ thuật thanh nhạc cổ điển và hiện đại của châu Âu.

Bà tự nhận rằng mình chưa bao giờ là sinh viên xuất sắc trong lớp, những gì đã lĩnh hội được là nhờ vào sự chăm chỉ, nỗ lực và cả đam mê của bản thân.

Thú thực là khi ở Nga tôi học không hề giỏi. Vì lớn tuổi so với bạn bè cùng lớp, sức bật kém hơn rất nhiều. Hơn nữa, vóc người quá nhỏ bé. Người ta thở 4, 5 lít hơi thì tôi thở chỉ 2 lít hơi. Bất cứ một yêu cầu gì của thanh nhạc cũng không đạt, thì làm sao học giỏi được.

Tôi học vất vả lắm, chưa bao giờ được loại ưu tú cả, chỉ dừng ở “rất tốt” mà thôi”, bà Hồ Mộ La chia sẻ.

Nhận rõ được điểm yếu của bản thân, bà Hồ Mộ La quyết tâm bù lại bằng sự chăm chỉ, cần cù và kiên trì, những đức tính đáng quý của người phụ nữ Việt Nam.

Người thầy đã hơn 90 tuổi say sưa khi nói về kỹ thuật thanh nhạc: “Muốn giọng khỏe, hơi thở tốt thì chăm mấy cũng không được. Tôi không may mắn có được tố chất tốt, không may mắn được đi học khi còn trẻ nên không thể phát huy được. Thế là, tôi đành tính cách khác. Sau 4 năm đầu rèn luyện, 3 năm tiếp theo tôi quyết tâm lên học lớp của những giáo sư nổi tiếng.

Tôi đã nắm được vấn đề cốt lõi của thanh nhạc. Đó không phải do giọng hát bản năng của con người, mà có một phương pháp riêng về hơi thở, về cách bật âm thanh, cách mở hàm họng… Thanh nhạc cũng giống như tập nhạc cụ, sai phương pháp dễ dẫn đến hỏng giọng, bế tắc về âm thanh.

Những phương pháp thanh nhạc dựa vào bản năng, rồi nắn cách nhả chữ, cách truyền cảm, biểu diễn rồi cho rằng mình hát hay, điều đó không đúng.

Ngoài tất cả những điều đó, âm nhạc còn cần phải có cái tai nghe tinh tế. Cũng giống như hội họa thì cần đến một đôi mắt tinh tường, để đánh giá về màu sắc, ánh sáng để cảm nhận về độ sâu, độ sáng, độ đậm, độ nhạt, độ uyển chuyển về đường nét làm sao để thể hiện đúng cái hồn của bức vẽ.

Thì với thanh nhạc, âm nhạc cần phải có đôi tai cảm nhận được giọng hát mượt mà, truyền cảm, uyển chuyển, nhẹ nhàng thì mới chinh phục được người nghe”.

Bà nói, khi được đi nghe những buổi hòa nhạc ở Liên Xô thời còn đi du học, bà có cảm giác giống như vừa được ăn một bữa tiệc thịnh soạn, về ngẫm nghĩ mãi vẫn thấy thú vị.

Họ hát thực sự quá hay! Hay đến nỗi tôi có cảm giác âm thanh không phải từ trong họng họ bật ra mà âm vang, lan tỏa khắp trong không khí, giống như giọng thiên thần vậy”, bà Hồ Mộ La nói, đôi mắt như ánh lên những niềm vui lấp lánh khi nghĩ về kỷ niệm đẹp thời trẻ.

7 năm du học ở Liên Xô là khoảng thời gian mà nhà giáo Hồ Mộ La đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ cả về vật chất, tinh thần lẫn tư tưởng. Trong 7 năm đó, cứ 2 năm bà trở về Việt Nam một lần.

Dù thương nhớ chồng con nhưng để có 2 năm một lần đó, bà phải tích cóp từng đồng xu trong suốt một khoảng thời gian dài bởi mỗi tháng, bà được cấp cho 50 đồng rúp.

Tôi tính mỗi tháng mình mất 30 rúp tiền ăn, 10 rúp cho phương tiện đi lại và mua tất giấy. Mặc dù mùa hè vẫn phải đi tất giấy cho lịch sự, con gái Nga lúc ấy đều như vậy, mình cũng không thể khác biệt được.

Rồi còn sách vở, đĩa nhạc phục vụ cho việc học. Số còn lại, tôi tích cóp tằn tiện trong 2 năm mới đủ tiền mua vé tàu hỏa về nước để thăm chồng, thăm con, thăm mẹ già”, NGƯT Hồ Mộ La kể lại.


Ngày bà Hồ Mộ La sang Liên Xô du học, con gái đầu lòng của bà mới chỉ 2 tuổi. Nỗi nhớ thương con luôn đau đáu trong lòng bà, đặc biệt là khi màn đêm buông xuống, hoặc lúc nhìn thấy gia đình các bạn học quây quần tụ họp bên nhau.

Thời ấy đâu đã có điện thoại, email rồi cả tá những phương tiện liên lạc hiện đại như bây giờ. Thương nhớ được bà Hồ Mộ La gửi qua những cánh thư dày đặc chữ, diễn tả cảm xúc yêu thương, thổn thức của một người mẹ, người con và người vợ xa gia đình.

Bà Hồ Mộ La kể, thời ấy gửi thư cũng lắm gian nan, phải tới 4 tháng người nhà mới nhận được, rồi lại mất thêm 4 tháng sau đợi hồi âm. Mỗi năm cũng chỉ gửi được tầm 2 lá thư về nhà, nhớ thương da diết bao nhiêu cho đủ những con chữ.

Rồi mỗi lần về nhà, bà Hồ Mộ La không khỏi chạnh lòng khi ban đầu, con gái còn chẳng nhận ra mình. Để rồi khi đã biết đó là mẹ mình, cô bé con ngày nào lại quấn quýt không rời.

Ngày bà Hồ Mộ La kết thúc kỳ nghỉ để quay lại Liên Xô đi học, cả bà và con gái đều rơi không biết bao nhiêu nước mắt. Trái tim bà Hồ Mộ La như thắt lại khi nghe tiếng con gái khóc đòi theo mẹ, bà vừa quệt nước mắt vừa bước lên tàu mà không dám nhìn lại.

Sau khi tốt nghiệp về nước, bà làm công tác tập huấn cho các Đoàn Văn công Quân đội, rồi làm chủ nhiệm Khoa thanh nhạc Trường Nghệ thuật Quân Đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội) từ 1967.

Năm 1984, Mộ La chuyển sang làm giảng viên Nhạc viện Hà Nội. Ngoài những buổi dạy chính, bà còn dành một tuần bốn giờ dạy thêm cho học sinh mà không thu tiền. Trong thời buổi cuộc sống khó khăn ấy, bà Hồ Mộ La đã gặp gỡ những người học trò khiến bà tự hào, vinh dự suốt cuộc đời, dù chỉ nghĩ lại cũng vẫn mỉm cười mãn nguyện.

NGƯT Hồ Mộ La vừa đón sinh nhật tuổi 90 vào tháng 8 vừa qua trong vòng tay của nhiều thế hệ học trò, có cả những nghệ sĩ nổi tiếng lẫn các giảng viên thanh nhạc có tiếng ở Hà Nội.

Dù vậy, bà Hồ Mộ La chưa bao giờ tự nhận mình là nghệ sĩ, mà chỉ muốn gắn tên mình với hai chữ “nhà giáo”.

Ở tuổi 90, học trò vẫn tìm đến với bà Hồ Mộ La bởi những câu chuyện về bà được các thầy cô kể lại, hay đám sinh viên vẫn truyền tai nhau khi lên giảng đường.

Ở tuổi này có học sinh tự nhiên mình trẻ ra, hai cô trò nói chuyện cũng vui, mình hiểu về cuộc đời hơn, chứ nếu chỉ là cuộc sống với bốn bức tường thì buồn tẻ lắm!”, NGƯT Hồ Mộ La tâm sự.

Hơn 50 năm tận tụy với nghiệp lái đò, chuyên chở các thế hệ học trò đến bến đồ thành công, những người gọi nhà giáo Hồ Mộ La là thầy nhiều không đếm xuể.

Tuy nhiên, những tên tuổi thành công nhất hiện nay từng là học trò của bà Hồ Mộ La có thể nhắc đến NSND Rơ Chăm Phiang, NSƯT Hà Thủy, NSƯT Tố Uyên, ca sĩ Anh Thơ, Quán quân dòng nhạc dân gian Sao Mai 2013 Huyền Trang, Á quân Sao Mai 2013 Phạm Thùy Dung…

Bản thân tôi có một đam mê kỳ lạ, mà có thể gọi là “cay cú” cũng được”, nữ nghệ sĩ 90 tuổi cười nói.

“Tôi không có tố chất tốt, không thể phát huy tất cả những gì mà mình đã lĩnh hội trong giọng hát của bản thân nên thấy không cam lòng, và muốn đào tạo ra người hát được đúng theo lý tưởng nghệ thuật của mình”, bà Hồ Mộ La chia sẻ.

Dạy được một ca sĩ hát hay cực kỳ khó”, NGƯT Hồ Mộ La khẳng định. “Để thành công cần có giọng hát, tai tốt, tiết tấu tốt, nhạc cảm tốt, sức khỏe tốt và còn cần đến yêu cầu cuối cùng quan trọng nữa, đó là sự nỗ lực, kiên trì. Nghề nào cũng vậy thôi, không có chí không thể nào thành công được.

Dù có tố chất, năng lực tốt đến đâu thì vẫn cần những yếu tố tinh thần khác, đó là ý chí, quyết tâm và đam mê. Học mà cứ phất pha phất phơ chẳng bao giờ thành công được cái gì đâu, chỉ làng nhàng thôi. Đối với ca sĩ, tìm được 6 yếu tố hội tụ trong một người cực kỳ khó”.

NSND Rơ Chăm Phiang là người học trò mà NGƯT Hồ Mộ La tâm đắc nhất trong sự nghiệp của mình.

Rơ Chăm Phiang là người đầu tiên thành công, trước đó rất nhiều người học nhưng không thành công. Người có giọng thì không có tai, hát phô lắm! Người có tai, có giọng thì lại không có sức khỏe để phát huy. Người có tai, có giọng, có sức khỏe thì nhạc cảm lại kém, hát không cảm xúc.

Rất may là những yếu tố này, Rơ Chăm Phiang đều có. Đặc biệt, Rơ Chăm Phiang là một người có ý chỉ và nỗ lực cực kỳ mạnh mẽ. Thời ấy có biết bao học trò dân tộc tham gia khóa học của tôi, nhưng chỉ sau một kỳ nghỉ là rơi rụng hết, chỉ còn mỗi Rơ Chăm Phiang.

Ban đầu, Rơ Chăm Phiang từng bị nhận xét là có giọng đẹp nhưng không phát triển được bởi vì “yếu như giọng trẻ con vậy”. Nhưng sau một thời gian theo học phương pháp… và bằng nghị lực lớn lao của bản thân bạn ấy, Rơ Chăm Phiang dần mở giọng”, bà bồi hồi kể lại.

NGƯT Hồ Mộ La không ngại dành sự ca ngợi cho người học trò tâm đắc: “Trong hơn 50 giảng dạy, tôi chưa tìm được người học sinh thứ 2 có giọng đẹp như giọng Rơ Chăm Phiang. Ai nghe Rơ Chăm Phiang hát ai cũng trầm trồ vì giọng đẹp quá, như cái chuông vàng vậy”.

Nếu như đối với NSND Rơ Chăm Phiang, bà Hồ Mộ La như một người thợ chế tác, mài giũa từ “đá” thành “ngọc”. Thì với NSND Thanh Hoa, bà lại đảm nhiệm vai trò khiến viên kim cương trở nên sắc nét, tinh xảo và tỏa sáng rạng rỡ hơn bao giờ hết.

NSND Thanh Hoa từng tiết lộ trong bữa tiệc sinh nhật của NGƯT Hồ Mộ La rằng, mặc dù 50 tuổi chị mới có duyên được theo học nhưng nhà giáo Hồ Mộ La lại là người có ảnh hưởng lớn, giúp NSND Thanh Hoa quyết tâm theo đuổi nghề ca hát đến tận bây giờ.

Khi theo học bà Hồ Mộ La, NSND Thanh Hoa đã đạt được rất nhiều thành tích, là người nổi tiếng và có hàng vạn người nghe trung thành. Dẫu vậy, sự kính nghiệp, khát khao hoàn thiện bản thân và tìm đến những giới hạn riêng trong ca hát đã khiến NSND Thanh Hoa tìm đến người thầy Hồ Mộ La.

Giảng dạy cho một người học trò ở vào tuổi ngũ tuần, lại đã định hình cách hát vài chục năm nay quả là không phải vấn đề đơn giản.

"Tôi gặp Thanh Hoa khi cô ấy đã rất thành công rồi. Có một điều rất lạ lùng về tôi với Thanh Hoa như thế này, cô ấy nói với tôi rằng 'Khi nào em thấy em hát hay thì cô đều chưa hài lòng, nhưng khi em thấy mình hát chưa hay lắm, cô lại gật đầu'. Thính giác của tôi với Thanh Hoa khác biệt như vậy", NSƯT Hồ Mộ La kể.

Tuy nhiên, khi đứng trước bà Hồ Mộ La, NSND Thanh Hoa không hề có “cái giá” của người nổi tiếng. Và bà Mộ La cũng khẳng định với nữ nghệ sĩ rằng, nếu như đã quyết định theo học bà, tìm hiểu về phương pháp của bà thì cần có sự tin tưởng tuyệt đối giữa thầy và trò.

Lúc này, cá tính âm nhạc, sự khác biệt về phương pháp của NSND Thanh Hoa đều để sang một bên và tín nhiệm vào sự dẫn dắt của bà Hồ Mộ La. Sau vài năm theo học bà Mộ La, giọng ca của NSND Thanh Hoa trở nên thanh thoát hơn, mượt mà hơn và có sự dày dặn hiếm có, tô điểm thêm cho chất giọng vốn đã rất đẹp của mình.

Những câu chuyện về học trò của nhà giáo 90 tuổi cứ say sưa, bất tận như vậy. Suốt hơn 1 tiếng đồng hồ, bà dừng lại và hỏi người viết, “Liệu có phải tôi nói nhiều quá không?”.


Đến hiện tại, nhìn lại sự nghiệp giảng dạy hơn 50 năm của mình, NGƯT Hồ Mộ La đã có thể tự hào và vinh dự. Bà chia sẻ, điều khiến bà vui nhất là dù đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn luôn có những thế hệ học trò mới, trẻ trung, non nớt đến nhờ bà chỉ dạy.

Và nhiệt huyết của bà trong sự nghiệp giảng dạy thanh nhạc vẫn sôi nổi, cuồng nhiệt không hề có giới hạn tuổi tác, thế hệ như vậy.

 “Hôm nào học trò hát hay, tôi như uống một thang thuốc bổ. Còn nếu như hát không ra gì, cảm giác như mình vừa uống một bát thuốc độc, người bứt rứt, bức xúc lắm!”, người thầy hơn 90 tuổi vui vẻ tâm sự.

Tin nổi bật