Gặp Hà Công Thái ( 31 tuổi, ở Nho Quan, Ninh Bình) tại ngôi trường Nguyễn Lân, nơi mà anh đang công tác với vai trò là thầy Tổng phụ trách, PV báo Đời sống & Pháp luật thấy xung quanh chỗ ngồi là khá nhiều những bọc nilong, to nhỏ đủ cả.
Nhìn thấy ánh mắt đầy ngạc nhiên của PV, anh Thái nở nụ cười hiền cho biết: “Đấy là đồ các anh chị, bạn bè ủng hộ cho chuyến đi Hà Giang sắp tới”.
Bên chén trà nóng những ngày đầu thu, giữa những tiếng vui đùa của những học sinh đang nghỉ giữa giờ, anh Hà Công Thái kể về những ngày anh bắt đầu công việc thiện nguyện.
Kể từ năm 2013, tính tới nay là hơn 6 năm anh Thái gắn bó với những chuyến từ thiện. Những nơi anh Thái từng đặt chân tới để mang theo hơi ấm và yêu thương trải không phải là ít. Từ Ninh Bình, Thái Nguyên, đến các tỉnh vùng núi còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang, thậm chí anh còn vượt hàng trăm km để vào Nghệ An để làm từ thiện.
Cứ có thời gian là anh Thái lại lên đường. Biết được ở đâu cần sự giúp đỡ, anh Thái lại kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân để giảm bớt những khó khăn của các mảnh đời kém may mắn.
Không chỉ mang đồ quyên góp từ thiện, anh Hà Công Thái còn cùng các tình nguyện viên khác giúp người dân dựng lại nhà cửa, dạy họ cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng ngừa bệnh dịch.
Hành trình thiện nguyện của Thái ban đầu gặp phải khá nhiều lời phản đối từ gia đình, bạn bè, sự nghi ngờ ngay từ những người anh kêu gọi giúp đỡ. Vượt qua tất cả, bằng tấm lòng giàu tình thương của mình, anh Hà Công Thái vẫn thầm lặng tiếp tục những công việc từ thiện không tên của mình.
Người thầy giáo trẻ dành dụm từng đồng từ số tiền lương ít ỏi của mình cho những chuyến đi vùng cao, đến những nơi cần giúp đỡ. Dần dần có nhiều người biết đến anh Thái và ủng hộ. Nhờ đó mỗi khi anh Thái kêu gọi đều nhận được sự chung tay giúp đỡ đủ từ các mạnh thường ủng hộ từ từ quần áo, lương thực thực phẩm, sách vở, chăn chiếu… cho mỗi chuyến từ thiện.
Anh Thái Nhớ nhất là chuyến đi đến với bà con ở Làng Lao (Văn Chấn, Điện Biên). Đường tới đó vừa xa, vừa nguy hiểm, chỉ có thể đi bộ, chỗ to nhất chỉ 80cm, chỗ bé nhất chỉ vừa một người đi, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm. Sơ sảy một chút thì hậu quả thật khó mà tưởng tượng.
Với nhiều người, đi bộ 30km đường bằng đã mệt thì việc đi từng ấy quãng đường rừng càng không phải là chuyện đơn giản. Thế nhưng, nhóm tình nguyện của anh Thái vẫn ngược xuôi trên cung đường nhỏ đầy nguy hiểm ấy cùng những gánh hàng trên lưng để mang chút hơi ấm cho những người dân khó khăn.
Hơn chục người chia nhau gánh gần 100 chiếc bánh chưng, cùng với đó là 60kg giò, 30kg đường, gần chục tải quần áo mới, kẹo bánh lên làm quà tết cho bà con Làng Lao trong đợt tết Âm lịch vừa rồi.
Cuối năm 2016, trong một chuyến đi đến điểm trường Tả Giàng Phình (Sa Pa, Lào Cai), giữa cái lạnh cắt da thịt nơi vùng cao, anh Thái cùng các bạn gánh quần áo, sữa, ủng, sách vở, kẹo bánh ngược núi trên con đường lũng sình, trơn trượt. Nghĩ đến các em nhỏ đang phải chịu lạnh, những đôi chân trần lấm len bùn đất, mọi thành viên trong đoàn lại động viên nhau cố gắng dò từng bước chân, gắng sức gánh gồng những bao tải hàng từ thiện trên vai.
Khi nhìn thấy chiếc cột cờ của điểm trường, nhìn thấy những ánh mắt trong veo của các con đang đón đợi, nhìn thấy sự mừng vui của bà con... dường như mọi mệt mỏi vì đường xa, dốc trơn của đoàn tình nguyện đều tan biến.
Lần đầu khi tiếp xúc với anh Thái, PV chỉ nhận được cái lắc đầu: “Anh có làm được việc gì đâu, em có viết thì đưa tin những hoàn cảnh này cần giúp đỡ, những lưu ý về việc làm từ thiện để các bạn tình nguyện viên sắp xếp kế hoạch được chu đáo và hợp lý hơn". Sau nhiều lần thuyết phục, anh Thái mới đồng ý trò chuyện chia sẻ về hành trình từ thiện của mình.
“Có quá nhiều nhóm thiện nguyện được lập ra nhưng nhiều người chưa hiểu được thế nào là thiện nguyện. Họ kêu gọi, cứ đến những nơi khó khăn mà không cần quan tâm tới việc người dân nơi đó cần gì, có thể giúp gì. Điều này làm cho một số địa phương sợ, ngại khi có người liên hệ lên thiện nguyện. Bởi quỹ tiếp đón không có. Lên tặng được ít cặp thì học sinh mang ra suối treo lên cột điện vì tụi nhỏ chỉ dùng túi dân tộc. Trời mưa cũng cứ đi, xe mắc kẹt nhưng không vác được đồ nặng, thầy cô giáo, học sinh, bà con lại phải lội bùn cả chục km ra để mang đồ vào. Có khi đi 20- 30km mang về cả bao tải quần áo không dùng được vì nó quá rách nát, cũ kỹ, thậm chí là cả “đồ nhạy cảm” của phụ nữ”- anh Thái chia sẻ.
Chứng kiến những đoàn thiện nguyện đi từ thiện như thế, anh không khỏi buồn lòng. Anh Thái tâm sự: "Tôi chỉ mong đã có lòng làm từ thiện thì hãy thiện nguyện bằng cái tâm, đừng đi du lịch. Và cũng mong muốn mọi người khi nhìn thấy những bức ảnh trên mạng xã hội phân biệt được đâu là ảnh dàn dựng, đâu là những cảnh đời trớ trêu có thực ở ngoài đời để giúp đỡ được đúng người, đúng chỗ".
Khi được hỏi những chuyến đi thiện nguyện của anh chỉ dừng lại ở sự chung tay của những cá nhân có tấm lòng hay dưới danh nghĩa một tổ chức, đoàn thể nào đó, anh chỉ cười: “Làm việc thiện thì quan trọng gì mấy việc đó? Miễn là việc mình đang làm là có ý nghĩa và giúp đỡ cho mọi người là được. Bọn anh là đoàn thiện nguyện không tên”.
Không kèn trống, không tên tuổi nhưng nhờ có anh và những nhà hảo tâm đồng hành, các em nhỏ ở mái ấm tình thương La Vang (Hà Nội), mái ấm Thạch Thất đã nhận được quần áo, sách vở. Bà con ở Tủa Chùa (Điện Biên) có gạo cứu đói, áo ấm cho các bé Mầm non điểm trường Há Đề (Lũng Thầu, Đồng Văn, Hà Giang), điểm trường Pú-Xi (Tuần Giáo, Điện Biên)…. Và còn rất nhiều nơi, rất nhiều người nữa đã nhận được sự giúp đỡ của Thái cùng các bạn trong nhóm.
Luôn tâm niệm: “Sống là cho đi”, miễn là đôi chân còn có thể trèo đèo, vượt suối, mọi người vẫn ủng hộ công việc từ thiện của mình thì Hà Công Thái vẫn sẽ tiếp tục tìm đến những nơi còn gặp nhiều khó khăn, đến với những mảnh đời bất hạnh để trao gửi yêu thương.