Ông Nguyễn Công Chiến (thứ ba từ phải sang) trong lễ ký kết hợp tác giữa Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 với AstraZeneca tháng 7/2020. Ảnh: Infonet
Mới đây, sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi các bệnh viện trực thuộc, bệnh viện điều trị COVID-19, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 về việc mua thuốc để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo đó, loại thuốc được Sở nêu ra để các bệnh viện mua là Medrol (hoạt chất Methylprednisolone) 16 mg của Công ty Pfizer (thuốc kháng viêm); Thuốc Xarelto (hoạt chất Rivaroxaban) 20 mg của Công ty Bayer (thuốc kháng đông).
Nơi cung ứng hai loại thuốc trên là Công ty Cổ phần dược liệu Trung ương 2 (Công ty Phytophamar).
Tuy nhiên, văn bản của sở Y tế đã gây tranh cãi trong dư luận. Không ít người cho rằng sở Y tế chỉ nên ghi hoạt chất để các đơn vị tự lựa chọn nhà sản xuất khi nhập mua, chứ không nên ghi cụ thể tên thuốc.
Ngoài ra, việc Sở này chỉ định mua thuốc của Công ty Phytopharma, trong khi còn nhiều loại thuốc generic (thuốc hết bản quyền) rẻ hơn cũng khiến dư luận không khỏi cho rằng đây là cách "chỉ định thầu" ngầm cho Công ty Phytophamar?
Chiều cùng ngày, sở Y tế ra văn bản 5279 để thay thế, đề xuất các cơ sở điều trị nghiên cứu xem xét phê duyệt và xây dựng phác đồ điều trị có sử dụng thuốc kháng viêm và kháng đông dạng uống để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Công văn thay thế không nêu cụ thể tên các loại thuốc mà chỉ nêu ra các hoạt chất để bệnh viện thực hiện.
Cũng trong chiều 3/8, sở Y tế TP.HCM đã hỏa tốc thu hồi công văn số 5279 và 5216 ban hành cùng ngày do có một số nội dung chưa phù hợp.
Vậy Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) được sở Y tế TP.HCM nhắc đến là đơn vị nào?
Theo tìm hiểu của PV, đây là doanh nghiệp chuyên kinh doanh nguyên liệu và thành phần Đông Nam dược, thành phẩm tân dược, dụng cụ y tế thông thường, bao bì hương liệu, mỹ phẩm để hổ trợ cho việc phát triển dược liệu.
Phytopharma hiện có 3 công ty con gồm: Công ty TNHH MTV Dược liệu TW2 (tỷ lệ sở hữu 100%), Công ty TNHH Dược liệu TW 2 Phytopharma Sài Gòn (tỷ lệ sở hữu 40%), Công ty cổ phần PHYTO Quang Trung (tỷ lệ sở hữu 96%) và công ty liên kết là Công ty TNHH PHYTO Land (tỷ lệ sở hữu 62,57%)- doanh nghiệp chuyên kinh doanh bất động sản.
Theo công bố thay đổi thông tin doanh nghiệp vào tháng 9/2018, vốn điều lệ của công ty là 254,61 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của Phytopharma khá cô đặc với chỉ 4 cổ đông lớn nắm giữ tới 81,12% cổ phần.
Tính đến ngày 31/12/2020, Công ty TNHH Phytophaco Việt Nam nắm giữ 52,53% cổ phần và là cổ đông lớn nhất của Phytopharma; Tổng Công ty Dược Việt Nam nắm giữ 9,89% và hai cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Đức Thiện; ông Nguyễn Công Chiến lần lượt nắm giữ 13,49% và 5,18%.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Công Chiến lại đang sở hữu tới 99% vốn điều lệ của Công ty TNHH Phytophaco Việt Nam. Như vậy, ông Chiến đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu gần 68% cổ phần tại Phytopharma.
Ngoài Phytopharma, ông Chiến còn là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư Mã Mây, Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn Kim Điền, Công ty cổ phần PSK,…
Bạch Hiền