Yếu tố gây mắc ung thư vú
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BSCKI. Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, cho biết ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa.
Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm một số yếu tố di truyền, tuổi cao, tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong môi trường, hút thuốc lá, uống rượu, ít vận động, thừa cân, béo phì…
Để giảm nguy cơ mắc ung thư vú, các chuyên gia y tế khuyên phụ nữ cần có lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và chủ động tầm soát bệnh. Ảnh minh họa
Yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú bao gồm tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, tiền sử có kinh sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc hormone nội tiết estrogen thay thế, không sinh con hoặc sinh con muộn sau 30 tuổi….
6 điều hữu ích chị em "nên làm" để ngăn ngừa mắc ung thư vú
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mặc dù không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư vú nhưng có một số điều phụ nữ có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh. Điều này là do một số yếu tố nguy cơ ung thư vú có liên quan đến hành vi cá nhân hoặc lối sống, cụ thể như chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, dùng thuốc có chứa hormone…
Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt là sau khi mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú. Ảnh minh họa
Sau khi mãn kinh, hầu hết estrogen đến từ mô mỡ. Có nhiều mô mỡ làm tăng lượng estrogen mà cơ thể tạo ra làm tăng nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, những phụ nữ thừa cân có xu hướng có lượng insulin cao hơn. Mức insulin cao hơn cũng có liên quan đến ung thư vú.
Vận động cơ thể, tránh ngồi nhiều
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư vú.
Nên hạn chế các hành vi ít vận động như ngồi, nằm, xem tivi... Nhất là khi bạn dành phần lớn thời gian làm việc trong ngày để ngồi, việc này cần thay đổi.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều loại rau, các loại đậu giàu chất xơ, trái cây với nhiều màu sắc khác nhau và ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời tránh hoặc hạn chế thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, đồ uống có đường, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
Tốt nhất không nên uống rượu
Uống rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú. Ảnh minh họa
Nguy cơ tăng lên theo lượng rượu tiêu thụ. Phụ nữ uống 1 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ tăng nhẹ (khoảng 7% - 10%) so với những người không uống rượu, trong khi những phụ nữ uống 2 - 3 ly mỗi ngày có nguy cơ cao hơn khoảng 20%.
Thận trọng khi sử dụng biện pháp tránh thai bằng hormone và liệu pháp thay thế hormone
Một số nghiên cứu cho thấy một số loại thuốc tránh thai, thuốc tiêm và dạng cấy ghép hoặc bôi tại chỗ có sử dụng hormone có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) kết hợp estrogen và progestin làm tăng nguy cơ ung thư vú. Sự kết hợp này cũng có thể dẫn đến tăng mật độ vú, khiến việc phát hiện ung thư vú trên chụp quang tuyến vú trở nên khó khăn hơn.
Đối với những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung, dùng HRT chỉ bao gồm estrogen có thể là lựa chọn tốt hơn. Chỉ riêng estrogen không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, những phụ nữ vẫn còn tử cung sẽ có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn nếu chỉ sử dụng HRT chỉ chứa estrogen.
Do vậy, phụ nữ cần được bác sĩ tư vấn cụ thể về các biện pháp kiểm soát các triệu chứng mãn kinh, bao gồm cả những rủi ro và lợi ích của từng biện pháp.
Một vài biện pháp tránh thai có thể tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ảnh minh họa
Chủ động đi khám định kỳ để tầm soát ung thư vú
Bên cạnh việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa ung thư vú, BSCKI. Hoàng Trọng Điểm khuyên phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tự khám vú thường xuyên và khám định kỳ tầm soát ung thư.
Đối với phụ nữ trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú bằng siêu âm tuyến vú hoặc chụp Xquang tuyến vú 1 năm/lần. Phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú nên siêu âm tuyến vú, chụp Xquang tuyến vú và chụp cộng hưởng từ tuyến vú 1 năm/lần.
"Thần dược" gọi tên những loại thực phẩm sau, vừa giúp đẹp da vừa chống ung thư cực mạnh
Một vài thực phẩm tốt giúp ngăn ngừa ung thư vú
Nên ăn những loại thực phẩm tốt để ngăn ngừa ung thư vú. Ảnh minh họa
Cải mầm, cải thìa, cải xoăn, súp lơ,… đều là các loại rau lá xanh thuộc họ cải. Những loại rau này thường chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa. Đồng thời, chúng còn tập trung nhiều loại vitamin C, B, E, K, carotenoid có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
Dinh dưỡng từ quả óc chó đóng vai trò quan trọng trong việc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Ngoài ra, các loại cá béo như cá ngừ, cá thu, cá bơn,… hay các quả mọng như việt quất, dâu tây, mâm xôi,… không chỉ phòng ngừa tốt mà còn giúp gia tăng hiệu quả của thuốc Tamoxifen được dùng trong phòng ngừa ung thư, thông tin từ website Bệnh viện Đa khoa Medlatec.
Nguyễn Linh (T/h)