Dinh dưỡng có trong quả dứa
Theo thông tin từ website Bệnh viện Đa khoa Medlatec, quả dứa là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng rất cần cho sức khỏe. Việc thường xuyên bổ sung món ăn từ dứa vào chế độ ăn có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể đồng thời đảm bảo cung cấp nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu cho cơ thể.
Vitamin C: dứa chứa một lượng đáng kể vitamin C - chất dinh dưỡng quan trọng có vai trò tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm nhiễm và làm tăng khả năng hấp thụ sắt có mặt trong các món ăn hàng ngày.
Ảnh minh họa.
Kali: đây là một khoáng chất quan trọng với sức khỏe tim mạch. Dứa cung cấp một lượng lớn kali nên vừa duy trì sự ổn định của chỉ số huyết áp vừa hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Chất xơ: dứa rất giàu chất xơ - thành phần dinh dưỡng giúp tăng cường quá trình tiêu hóa, giảm nguy cơ táo bón và kiểm soát đường huyết.
Vitamin A: vitamin A từ quả dứa có vai trò quan trọng trong bảo vệ thị lực, duy trì sức khỏe làn da và hỗ trợ hệ miễn dịch.
Vitamin K: yếu tố cần thiết cho quá trình đông máu và duy trì cấu trúc khỏe mạnh của xương và răng.
Natri, Magie và Folate: các khoáng chất này trong quả dứa rất quan trọng với sự phát triển tế bào và ADN.
Tác dụng của quả dứa với sức khoẻ
Hỗ trợ giảm đau khớp
Khả năng chống viêm của bromelain trong dứa có thể giúp giảm đau cho những người bị viêm xương khớp. Nếu bị đau khớp do viêm xương khớp, hãy thử thêm dứa vào chế độ ăn uống.
Ảnh minh họa.
Ngăn ngừa cảm cúm
Dứa chứa nhiều vitamin có lợi cho sức khoẻ, khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể có sức đề kháng để chống bệnh tật như ho, cảm cúm…
Ngay cả khi bạn đang ốm, dứa và các thức uống từ dứa cũng có thể thay thế cho thuốc, giúp bạn mau khoẻ.
Sức khỏe tim mạch
Hàm lượng chất xơ, kali và vitamin C trong dứa đều thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Trong một nghiên cứu, những người tiêu thụ 4.069 mg kali mỗi ngày giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ khi so sánh với những người tiêu thụ ít kali hơn.
Giúp làm đẹp da
Vitamin C trong dứa tác dụng chống ôxy hóa và làm chậm quá trình lão hóa. Quả dứa còn có tác dụng dưỡng da hiệu quả nhờ dồi dào hàm lượng alpha hydroxyl acid, một thành phần quan trọng trong các loại kem chống nhăn, giúp tẩy tế bào da chết và góp phần tái tạo tế bào da mới, theo VTC News.
Tác hại nếu dùng dứa sai cách
Tuy dứa rất tốt cho sức khoẻ nhưng nếu dùng sai cách dứa cũng gây ra những tác hại không tốt cho sức khoẻ:
Ảnh minh họa.
Người bị tiểu đường hoặc đang trong quá trình giảm cân nếu ăn nhiều dứa sẽ không tốt cho sức khoẻ bởi dứa chứa nhiều đường và carbohydrate.
Chất axit trong dứa có thể làm sưng môi, lưỡi và triệu chứng giảm dần trong thời gian ngắn. Nếu các triệu chứng này không cải thiện hoặc nặng hơn thì có thể bạn đang bị dị ứng với dứa và cần đến ngay bệnh viện để được sơ cứu kịp thời.
Nếu bạn đang điều trị bệnh bằng thuốc nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng nước dứa hàng ngày.
Đối với bệnh nhân có vấn đề về dạ dày thì hạn chế sử dụng nước ép dứa hoặc ăn dứa vì lượng axit sẽ có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị của bạn.
Dứa chứa axit oxalic, nếu ăn nhiều sẽ hại dạ dày nên bạn chỉ nên ăn vừa phải và sau bữa ăn. Ngoài ra, những người bị huyết áp thấp và sa bụng (chuẩn bị sinh con) nên ăn ít dứa. Những ai sợ lạnh, cơ thể yếu cũng không nên ăn nhiều dứa.
Trước khi ăn, nên rửa dứa với nước muối để loại bỏ glucoside và protease gây kích ứng dạ dày. Đặc biệt lưu ý không được kết hợp dứa với thịt gà khi nấu ăn để tránh ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
Nguyễn Linh (T/h)