20 cá thể trai tai tượng khổng lồ quý hiếm, được bàn giao cho Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam sáng 11/4, để trưng bày, giới thiệu đến du khách.
Những con trai tai tượng khổng lồ (còn gọi là sò tượng) dài 40 - 80cm, tổng trọng lượng khoảng 625kg, được lực lượng biên phòng Quảng Ngãi thu giữ của thuyền trưởng Bùi Hát (thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vào đầu tháng trước. Ông Hát đã bị cơ quan chức năng xử phạt 80 triệu đồng vì hành vi khai thác, lưu giữ trái phép trai tai tượng khổng lồ.
Trai tai tượng khổng lồ do ngư dân Quảng Ngãi khai thác trái phép được bàn giao đưa về Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam sáng 11/4. Ảnh: T.T |
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi cho biết, sò tai tượng khổng lồ là loài thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam và quốc tế cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển, nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam, danh mục đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Loài này có tên khoa học là Tridacna gigas, lớn và nặng nhất trong loài thân mềm. Trên thế giới có con dài tới 1,35m; nặng hơn 260kg; mặt trong trơn có màu trắng ngà, mặt ngoài nổi 6 gờ lớn và có màu trắng hơi xám.
"Ngư dân khai thác sò tượng ở các vùng biển trong nước và vùng biển nước ngoài đều vi phạm pháp luật Việt Nam lẫn quốc tế. Hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có thể bị phạt từ 2 đến 7 năm tù", ông Toàn nói.
Hiện, ngành Nông nghiệp Quảng Ngãi đã khuyến cáo ngư dân không đánh bắt trái phép sò tượng; đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng ngư dân khai thác trái phép; bảo vệ loài sò tai tượng khổng lồ cũng như các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Trần Thanh Tú, cán bộ Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam chia sẻ, đây là lần đầu tiên bảo tàng tiếp nhận mẫu vật trai tai tượng quý hiếm từ đại dương. "Sau khi đưa 20 vỏ trai tai tượng này về, chúng tôi đánh rửa sạch lớp bùn đất, giữ nguyên hiện trạng trưng bày, giới thiệu vẻ đẹp của biển đến công chúng trong nước và bạn bè quốc tế", ông Tú cho hay.
Theo ông Tú, từ đầu năm đến nay, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đã tiếp nhận, thu thập hơn 100 mẫu động thực vật quý hiếm ở rừng và biển đảo. Trong đó, có cả mẫu vật hổ, báo và sừng tê giác tịch thu từ các vụ mua bán trái phép. Hiện, bảo tàng đã thu thập hơn 1 triệu mẫu vật khác nhau của các loài động, thực vật, địa chất, khoáng sản... quý hiếm để tháng 5 tới sẽ mở cửa giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên Việt Nam rộng rãi đến công chúng.
Nguyễn Hương (theo VnE)